Văn-Trần Văn Sanh-4

SÀIGÒN - Cảnh Cũ Người Đâu

Trần Văn Sanh

Cảnh cũ còn đây, người xưa đâu với nồi cơm điện đội trên đầu máy hình, chân chống, con ngựa sắt cưỡi chạy lông rông chụp hình nhau...

Chiều hôm qua đợi cơn mưa vừa tạnh, khoác chiếc áo mưa rồi phóng xe qua bên Thủ Thiêm, đi lại con đường cũ mà mấy năm trước, mỗi lần tôi về Sàigòn - Bình, tên của một lão cựu BS Quân Y, thứ "ngụy, quân ngụy quyền của chế độ tàn dư cũ" - đã từng đưa tôi qua bên kia sông Sàigòn, chụp cảnh chiều tàn và những ánh đèn hoa lệ, hào nhoáng của thành phố một thời từng mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Dừng xe lại trên cầu Thủ Thiêm và cảnh bầu trời ảm đạm, xám ngoét với làn gió gây gây lạnh. Tôi chụp hình chiếc xe vắng chủ mà tâm trạng mình cũng đầy trống vắng. Đáng lẽ giờ này trên đầu hắn cũng đã đội cái "nồi cơm điện" - loại mũ an toàn mà ban đầu đã được chế tạo thô sơ, giống như nổi cơm điện National nổi tiếng ngày xưa, khiến cái tên bị chết tiệt đi theo với cái nón – cùng tôi lái đi lang thang, chạy rông phố đi tìm nguồn cảm hứng, chụp ảnh. Giờ này thì hắn đang tập lái xe, học lấy bằng lái ở mãi tận ở phuơng trời của tiểu bang California - chứ bắt hắn ru rú ở nhà, trông cháu, nhìn bốn vách tường rồi ra vào thở dài - chán chết!

Đời đôi khi nghĩ cũng nực cười. Trong lúc Bình háo hức, hồi hộp chờ đợi ngày được giấy tờ sang đoàn tụ với người con ở bên Mỹ; tôi - kẻ chết nhát dông chạy trước cả ngày 30/4 - sau hơn 40 năm ở Bên Mỹ, mà ai cũng nghĩ chắc hẳn phải sướng - lại loay hoay, xoay sở để tìm đường "về nguồn". Mà có phải riêng mình tôi gì cho cam, hôm nọ trong lúc đi châm cứu ở một y-viện ở Gò Vấp, tôi làm quen nói chuyện với một người Mỹ, hắn tên Rick - tuổi đã trên 6 bó - đang cư ngụ Việt-Nam cũng đã hơn 3 năm, và thề rằng sẽ chẳng bao giờ trở lại quê hương xứ sở của hắn - vùng Boston, Massachutsetts. Rick bị căn bệnh xương sống bị thoái hóa, đóng vôi mà bên Mỹ thì cho rằng cần phải giải phẩu, mổ xẻ - chi phí thì miễn bàn, còn "cái quần xà lỏn" - với giọng nói chán chường, than vãn - tôi dư hiểu, cũng đã là "may mắn" nếu không phải bán nhà, mang thêm nợ.

Cách đây hơn 2 tháng tôi bắt đầu thấy cánh tay, bả vai thỉnh thoảng bị nhức mỏi, có lúc tê buốt. Nghĩ đó chỉ là triệu chứng "lão hóa" rồi cũng sẽ quen đi. Vả lại, tuy phải mua bảo hiểm mỗi tháng gần cả ngàn bạc, mỗi lần đi khám mình phải bỏ thêm tiền túi - cho đến khi nào trên $14,000 thì bảo hiểm mới hòng ra tay cứu độ. Nghĩa là coi như mỗi năm mình có thể phải đóng hơn $26,000 cho hụi chết mà lòng phải cầu xin đừng có sự cố nào nặng xẩy ra. Chả trách nào chỉ cần mất việc làm hay bị một cơn bịnh ngặt nghèo - một gia đình ở bên Mỹ dễ dàng phải trở lại từ đầu - tay trắng.

Rick kể là sau 3 lần châm cứu, mỗi lần chỉ tốn $200,000 đồng (chưa tới $9 đô la), hắn đã thấy không những khỏe ra hẳn, mà tóc của hắn đã mọc nhiều trở lại, "quả là một phép lạ!" Rick khoe như thế với tôi. Tình trạng của tôi thì cô chuyên gia châm cứu bảo rằng - vì hơn 25 năm ngồi trước máy vi tính, khớp xương của tôi bị lão hóa - đó là chuyện đương nhiên, mà có lẽ nhờ tôi may mắn, hay biết tự chăm sóc - vì tôi bị nghẽn và tụ vôi chỉ ở một vài nơi, không như nhiều bệnh nhân khác, tuổi của họ tuy trẻ hơn nhưng tật còn nặng hơn nhiều. Sau lần đầu tiên châm cứu ấy, tôi thấy cơn đau giảm đi hẳn hơn 60% - do đó cứ 3 hay 4 ngày trở lại châm cứu tiếp - chừng 4, 5 lần là đủ.

Trở lại con sông bên bến phà Thủ Thiêm năm xưa, tôi gặp và nói chuyện cùng một ông lão bán nước giải khát bên đường. Chiều mưa nên vắng khách, thấy ông dọn dẹp bàn ghế chỉ một mình nên tôi gợi chuyện. Hóa ra mới biết mình còn "lão ông", lớn hơn ông ta cả vài tuổi, cuộc sống cực nhọc, thiếu thốn - nhất là dưới hoàn cảnh thiên nhiên nắng mưa khắc nghiệt - khiến ông L. tuy đời mới trên 50 mà đã già nhiều đi trước tuổi. Đấy cũng chỉ là một mảnh đời tiêu biểu của bao vạn ngàn người vẫn còn bương trải, lặn lội trong trong thành phố. Ngày nào kiếm được trên trăm ngàn (gần $5 đô la), ông L. cho đó là một ngày may mắn, mà những ngày được "may mắn" như thế ngày càng khó đến, như chiều mưa hôm nay chẳng hạn. Tôi cắc cớ hỏi ông câu triết lý quèn "bác bao giờ nghĩ ông trời có công bằng hay không?", sau khi nghe bác kể có một đứa con nhà giầu đem cả nhóm nhiếp ảnh ra bên bờ sông này, dàn dựng sẵn cả buổi để chụp cho người yêu của nó một vài tấm ảnh - chi phí cả ngàn đô la (hơn 22 triệu đồng) dễ còn hơn ông dám gọi một ly cà phê sữa uống buổi sáng. Ông L.

chẳng trả lời, chỉ tủm tỉm cười đọc cho tôi nghe hai câu thơ mà chính ông cũng không biết tác giả là ai:

Đời bất công nên cọng lông không thẳng đời không phẳng đừng vuốt thẳng cọng lông (vô danh) Quái chiêu! tác giả của hai câu thơ trên quả cũng bựa thật, dùng hình ảnh của một cọng lông mà thường tình hay mang cả nghĩa đen lẫn trắng để diễn tả, ví von với cái cong cong, vẹo vẹo của cuộc đời.

Chiều mưa không chụp được cái mầu sắc của cảnh mặt trời xế bóng bên bờ sông, và vì không biết cơn mưa có thể sẽ ập đến, tôi lái xe lang thang chạy quanh những con phố của Sàigòn mà trong đầu vẫn còn vang vọng hai câu thơ trên. Khi định mệnh của một người đã được an bài - như cọng lông đã cong sẵn - dẫu có muốn uốn nắn, thay đổi cũng chẳng được, cố gắng bao nhiêu cũng chỉ tổ nhọc tâm, phí sức. Nhìn rừng người đổ xô tan sở ra về dưới bầu trời ảm đạm sau cơn mưa, tôi bật cười tưởng tượng mình đang nhìn những cọng lông đang chạy ngược chạy xuôi, rồi chạnh nghĩ giây phút đầu tiên trong cuốn phim "Forrest Gump", mình cũng giống như cọng lông đang bị cơn gió của giòng đời cuốn lốc chẳng khác gì. Bởi vậy, nội cái chuyện mình muốn bay về hướng nào, bao xa mà cũng chưa chắc làm được thì thôi khỏi nghĩ chi đến chuyện vuốt cho thẳng cọng lông! Thà nhổ mẹ nó cho xong....HAH!HAH!HAH!

SVT 09/14/2015


Về đầu trang

SÀIGÒN - Những Ngày Lười Biếng

Trần Văn Sanh

Ở Đà-Lạt, thỉnh thoảng tôi có những giây phút lười biếng chả muốn làm gì cả, và khi về đến Sàigòn, tôi cũng có những ngày lười biếng, nhưng cái lười biếng này lại khác hẳn. Trên phố núi, nhiều khi sáng dậy biếng nhác chẳng muốn ra đường, tôi chỉ cần mở toang cánh cửa để ngắm khung cảnh đồi thông ở trước mặt, rồi nằm gối tay để đầu óc lãng đãng - cho trôi mãi về quá khứ, lúc chợt nhẩy về hiện tại trộn lẫn cả tương lai.

Ở Sàigòn thì chưa tới 5 giờ sáng mà tiếng động xe cộ chạy ồn ào ở dưới đuờng đã phá giấc ngủ, lôi mình dậy theo. Muốn nằm lười lĩnh thêm chút nữa cũng chẳng đưọc, vì cái nóng hâm hấp của bầu trời dần chớm vào thu và sắp sửa như muốn đổ cơn mưa khiến da thịt như ẩm ướt, nực nội. Tôi vào phòng tắm - mở vòi để "chạy qua hàng nước" - một cách tắm để cho mát, chứ tối hôm qua trước khi đi ngủ đã làm một màn "tắm rửa bụi đường" sau một ngày la cà ở Sàigòn.

Bởi vì cái nóng nực của Sàigòn khiến nhiều người sau bữa ăn trưa - thích trốn ra ngoại ô thành phố - tìm những quán cà phê sân vườn, nơi có bóng mát, gió thổi bên cạnh bờ sông, con rạch để ngồi - hay nằm trên chiếc ghế bố - gọi một ly cà phê đen đá hoặc ly sinh tố, rồi tự cho phép mình được lười biếng trong vài giờ đồng hồ trước khi phải trở về thành phố trước giờ cao điểm, khi giao thông ở mọi nơi dần kẹt cứng - bắt đầu khoảng 4 giờ chiều, khi cha mẹ, phụ huynh phải đi đón con em, rồi nhân viên của các công sở dần dà túa ra khắp mọi nẻo đường trong thành phố có hơn cả 12 triệu người - đó là theo nguồn tin từ chính phủ, chứ sự thật thì có lẽ phải cộng thêm gần 2 triệu người nhập cư không có hộ khẩu đã không được kể đến.

Sau bữa ăn trưa, thêm những giây phút để lười biếng, đứa em chở hai vợ chồng tôi và vợ nó sang bên bán đảo Thanh Đa để quan sát khu chung cư mà chính phủ đã giải tỏa phần lớn, đang chờ đợi ngân sách được phê chuẩn để tân trang, xây lại nhiều khu chung cư mới, biến bán đảo này thành một thành phố vệ tinh của Sàigòn, đầy đủ nhiều tiện nghi cho những người lớn tuổi, thích không gian yên tĩnh và mát mẻ - vì bốn bề là sông nước, chỉ mỗi một con đường độc đạo dẫn vào bán đảo này.

Nằm trên chiếc ghế bố nhâm nhi ly cà phê đá, nhìn những mảnh lục bình bồng bềnh trôi theo giòng nước, tôi liên tưởng chẳng biết vận mệnh mình sau này rồi cũng sẽ đi về đâu. Sông vẫn theo sông xuôi nguồn về biển cả, mà đời người quanh quẩn cũng chỉ bấy nhiêu thôi, mình cố lèo lái tấp vào bờ bên phải hay bên trái, nhanh hơn một chút hoặc kéo dài chậm thêm được một chút, rồi cũng phải đến cái chặng đường cuối cùng - trôi ra cửa biển - như một giọt nước rơi vào biển khơi, tất cả cũng vô nghĩa vô thường.

Vẫn biết thế nhưng đôi khi, không - phải nói rằng nhiều khi - tôi muốn tự lèo lái vận mệnh của mình, không để như những mảnh lục bình kia bị cuốn trôi vào một bãi rác rưởi nào đó mà không lối thoát. Được như ý mình hay không chẳng là vấn đề, vì đó thuộc về địa phận của đấng tối cao, thiêng liêng, ít ra tôi cho rằng mình còn có quyền chọn lựa - một thời để vùng vẫy, một lần để ngạo mạn nói với chính mính: "Ông đã thử, đã từng đùa nghịch với đời rồi chứ giỡn sao! " Hình ảnh người đàn bà già nua, ốm yếu như thế này - trong lúc tôi được thảnh thơi nằm lười lĩnh, nghỉ ngơi trong bóng mát - dưới cơn nắng chang chang cuối mùa hè, người đàn bà vẫn phải bưng chiếc khay vỏn vẹn vài cái bánh da lợn, bánh bò rảo bộ đến trường học gần đó để bán cho học trò, kiếm tiền độ nhật sống qua ngày. Nhưng đấy vẫn còn gọi là "chưa đến nỗi" nếu bạn thấy những người - thật hay giả, diễn viên hay chính thực - bò lê lết dưới lề đường đi bán từng tấm vé số ( thường gọi là một nghề ăn xin có chút vốn hoặc còn chút sĩ diện, tự trọng).

Ở Việt Nam hay bên Trung Quốc cũng thế, cứ hễ thấy nghề gì kiếm được bạc là thiên hạ hè hụi nhau bắt chước - chẳng xa xôi gì đâu, nội trong cái khu Xuân-An nhỏ tí xíu ở Đà Lạt mà cũng đã có ít nhất 3, 4 tiệm bán Mì Quảng, Bún Bò Huế. Nghe nói nhiều "diễn viên đường phố " thấy hoạt cảnh bò lê la dưới đường coi bộ cũng kiếm chác dễ dàng; vì người đi đường - nhất là du khách ngoại quốc - hay động lòng, mà không biết có phải vì lầm lộn tờ $500,000 với tờ $20,000 cũng mầu xanh lơ na ná - có khi rút cho một tờ giấy xanh tương tự như thế khiến dễ cho kẻ khác nẩy ra cái ý định kiếm ăn, mặc dù mình phải khổ sở đóng kịch chút xíu. Chỉ cần được vài tờ xanh $20,000 - thế là cũng đủ một, hai bữa cơm bình dân và một chầu cà phê, trốn nắng trong lúc ngồi nghe nhạc Trịnh hay ngâm nga đâu đó một vài bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà ai đó đã nắn nót viết lên tấm bảng, hóa thân từ một cánh cửa gỗ cũ kỹ. Tôi nghĩ chắc mấy ai đọc được cho nên ghi lại đây bài thơ với tựa đề "Dung Khúc" của Nguyễn Tất Nhiên, thi sĩ một thời trước 75 từng làm thổn thức bao con tim nam nữ mới lớn.

DUNG KHÚC - Nguyễn Tất Nhiên Em ham chơi chưa hết mùa con gái cười như hoa vui tiếng gọi mặt trời nghịch như chim ăn dở trái chín cây cây chín trái lòng anh rơi lăn lóc Em ham vui chưa hết ngày chim chóc lời nhẹ nhàng nào anh trách cho đang trời sinh chim hót cho cả mai hồng cho vạn vật... có nhành cây nó đậu lúc chợt hiểu ra thì anh đã khổ lòng bao dung nào sánh nổi cây cành!

em ham đi chưa hết tuổi xuân xanh như chim chóc thiên di theo thời tiết anh trụi lá mùa trơ xương gánh rét thèm như thông ngăn ngắt đứng đầu non chẳng bao giờ thông dáng đứng cô đơn tạo hóa cũng bất công cùng cây cỏ! Em mắc cỡ chưa hết thời au má đỏ gió se đông có làm tái môi son?

sân lúa hồn anh nắng đã không còn anh chỉ trách thời gian bày sớm, tối chứ ai nỡ giận chim bay ù té vì quá yêu nó liến thoắng tinh nhanh em ham chơi mà đời lại ham giành anh thua cuộc vì... cắn răng độ lượng anh thua cuộc vì nghĩ mình... cao thượng (có nghĩa là đau chới với em ơi!) chiều hôm nay mưa nhỏ nhỏ, sầu đời sao chim sẻ tung tăng đùa khúc khích?

em ríu rít cho anh buồn muốn chết!

Nguyễn Tất Nhiên 1987 Đừng tưởng nhầm chỉ có mình tôi mới biết hưởng thụ cái gọi là "lười lĩnh" ở Sàigòn - hay bất cứ ở nơi nào trên đất Việt. Phải nói, chính tôi mới là người chưa đạt được cái "đẳng cấp cao", hay cái văn-hóa siêu việt của ngành lười lĩnh - mà nổi bật nhất chỉ có dân Sàigòn và Hà Nội.

Không tin thì bạn cứ tha hồ đi rong phố, dạo quanh những nhà hàng, quán ăn và đặc biệt là quán nhậu. Bạn sẽ thấy thiếu gì những kẻ siêu lười, dăm ba phút chỉ biết hô hoán độc nhất một từ "Dzô!".

Nhà cửa chỗ cần sửa chữa hay tu bổ thì bỏ mặc, nhiều khi mải nhậu quên đón luôn cả vợ, cả con. Nói tới là họ biện luận "văn hóa người mình nó thế đấy, phải biết nhậu mới dễ dàng cho mọi chuyện làm ăn".

Trước năm 1975, khi sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở mức cao điểm nhất, Sàigòn rình rang nổi lên một giới gọi là "ca ve", ban đầu toàn cặp kè với doanh nhân, đại gia, tướng, tá và sau đó là những GI Joe, lính Mỹ, rồi cả đến lính Đại Hàn, Úc Đại Lợi... mà thời nào cũng thế, cũng có những đứa con gái lười biếng, thích kiếm sống để hưởng thụ bằng đồng tiền thiên hạ, cho nên bây giờ cũng xuất hiện những kiều nữ "chân dài", hay la cà, ngồi quanh những quán cà phê, nhà hàng ở khu Tây Ba Lô - hy vọng sẽ gặp được những tâm hồn cô đơn hoặc thuộc loại "trâu già thích gặm cỏ non" từ những ông Tây già, Việt kiều ham vui...

sẽ tung tiền thuê bao, cung phụng mình với những cuộc vui ăn chơi, mua sắm bất tận.

Đấy cũng chưa hẳn là tệ, vì họ chỉ là những bông hoa lười biếng, ham vui - sẵn sàng để cho ong bướm hút nhụy, và ít ra còn có người vui mừng và hoan hỷ trả tiền. Đỡ hơn những người lười biếng nhưng lại có chức vụ, quyền hành, và nhiều mưu toan. Ngoài ra, ở Việt-Nam hiện nay - trong vòng 2 thập niên trở lại - dường như có một cuộc "lạm phát" chùa chiền, đi đến đâu cũng thấy những công trình đã và đang "thi công" xây lên những tượng Phật, ngôi chùa to đùng, và dùng toàn chữ Hán.

Nội trên con đường Nguyễn Văn Trỗi từ phi trường vào thành phố, qua khỏi cầu Công Lý là đã có 3 ngôi chùa đồ sộ thật lớn, mà lớn nhất phải nói là chùa Vĩnh Nghiêm, có thể chứa hơn 2,000 người dễ như bỡn.

Chùa Đại Giác - khi xưa nhỏ tí bẽo - chưa đi đã về chốn cũ, thằng bạn nghịch ngợm gọi "Chùa Giác Đấu", vì chuyện mấy ông sư cạo đầu trốn lính một hôm nổi cơn lợn lòng, dành gái đánh nhau chí chóe!

Điều này làm tôi liên tưởng đến những vương cung thánh đường to lớn ở Âu Châu, trong thế kỷ thứ 18, nhiều ngôi nhà thờ được xây dựng bởi công lao, tiền của từ giáo dân - thay vì phải xưng tội và chịu nhiều điều phạt - mà Hội Thánh Công Giáo một thời niêm yết ra bảng giá, tùy tội nặng nhẹ - là nếu đóng góp cho nhà thờ bao nhiêu viên gạch, đá quý hoặc bỏ thi giờ vào công việc xây cất, thì tội lỗi sẽ được hội thánh đại diện Thiên Chúa mà "xử huề", chả còn tội lỗi gì ráo. Tôi không biết bây giờ mấy đấng đỉnh cao trí tuệ nhưng với tật lười biếng có thông suốt chuyện lịch sử giáo hội Công Giáo hay chăng, sao mà bây giờ họ làm gần như y chang.

Quả là toàn những chuyện vô bổ, tôi nghĩ thà tận thế cha nó cho xong, Chúa có làm lại thế giới mới, nhân loại mới thì tôi xin một chữ "Miễn"; bởi rằng thì là mà nếu con người mới không có quyền năng, hiểu biết như thượng đế thì sớm muộn gì bổn cũ cũng sẽ được soạn lại.

Nghĩa là lại có ấu đả, oánh nhau để tranh dành hơn thua. Được quyền toàn năng, toàn vẹn như thượng đế thì lại càng phiền nhau gấp mấy. Nhớ lại những phim, truyện thần thoại - chẳng hạn như Sơn Tinh và Thủy Tinh - chỉ vì một mảnh cỏ lông tơ hình tam giác thôi mà khiến bao thiên hạ phải tản cư, khốn khổ mỗi khi hai ngài khện nhau dành gái.

Càng nghĩ tôi lại càng cảm muốn mình càng thêm lười biếng, nhưng bây giờ không kiếm miếng ăn hay nước gì uống bỏ bụng thì mình lại đói meo, khát bỏ mẹ. Muốn lười thêm cũng cóc được. Oh! What Tờ Heo....

Trần Văn Sanh


Về đầu trang

TẠP GHI NHỮNG NGÀY CẬN TẾT

Trần Văn Sanh

Những năm Mai Thảo còn hiện hữu, sinh hoạt với mọi người trong tòa soạn tờ nguyệt-san VĂN, cứ mỗi lần Tết sắp đến, Mai Thảo thường gọi điện thoại hỏi thăm vài câu và luôn tiện nhắn bảo tôi gửi bài cho kịp số báo Xuân rồi sau đó sẽ ngưng một tháng để nghỉ ngơi, cho nên anh ấy muốn có thật nhiều bài cho số báo nói đặc biệt về ngày Tết. Chỉ một lần, tôi nhận được tấm danh thiếp của tòa soạn Văn, mà Mai Thảo đã hý hoáy nhắn với vài chữ ngắn gọn: "Có truyện ngắn cho Giai Phẩm Xuân không? (Đã bắt đầu làm). Thân - M.T.

Vọn vẹn chỉ có thế, không dài dòng văn tự, đi ngay vào vấn đề, nhưng tôi quý nó lắm, vì nó là những di tích, là những gì trân trọng, di sản của một cây viết mà một thời tuổi mới lớn - tôi đã say mê, tôn vinh nhà văn Mai Thảo là thần tượng của mình sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết "Mười Đêm Ngà Ngọc" của tác giả viết. Có lẽ không chừng nó cũng là một phần đã tạo cho cái ấn tượng rằng mình đã từng ở Đà Lạt cho dù chưa hề bao giờ đặt chân lên đó mà tôi phải đợi mãi đến hơn 5 năm sau. Cuốn "Mười Đêm Ngà Ngọc" là câu chuyện tình của hai người đã có gia đình, họ tình cờ gặp nhau ở Đà Lạt để tình yêu bắt đầu. Một thứ tình yêu tội lỗi, vi phạm cái luân thường đạo đức mà xã hội thường luôn ngăn cấm. Tôi gặp MT ở miền Nam Calif. trong một chuyến "hành hương" hàng năm xuống San Jose cho mấy đứa nhỏ thăm ông bà nội và những đứa em họ của chúng nó, luôn tiện tôi ghé tòa soạn để giao tận tay những bài mình đã viết sẵn để MT tùy tiện muốn phát hành, cho đăng bất cứ khi nào anh ấy cảm thấy hài lòng, thấy tiện.

Như người ta vẫn hay nói "Văn là người", chỉ sau lần đầu gặp gỡ, tôi nhận biết "văn chương" là thứ tôn giáo anh hằng tôn thờ, chiêm ngưỡng. Tôi với anh tuy ít nói, gần như hà tiện - nhưng chỉ cần vài câu mà chúng tôi hiểu lòng nhau, cứ sống thực, viết thực và đừng câu nệ, vì thế gian vốn mãi vẫn thế - chỉ có đời người là ngắn ngủi. MT làm văn chương để đời, còn tôi - tôi viết như để tâm giao, để tâm sự với chính mình. Ai có thích hay không - như MT nói - mặc kệ, trong văn chương mình phải viết như phải thở cho chính mfinh. Trăm năm sau tất cả cũng chỉ là hư vô.

Mới đó mà một cái tết mới cũng sắp đến. Mới đó mà MT cũng đã mất hơn 17 năm (ngày 10 tháng 1 năm 1998). Còn nhiều cái gọi là "mới đó" rồi cũng sẽ qua nhanh. Ngày xưa mỗi lần Tết đến mang lại nhiều niềm vui bao nhiêu, bây giờ Tểt đến chỉ mang lại càng thêm nhiều kỷ niệm và dĩ vãng. Nhờ kỹ thuật tân tiến và máy móc ngày càng tiện dụng, nhiều người sắp già và đang già - nhất là khi đã về hưu, nay bỗng trở thành nhà văn, hay ít ra cứ cho là thích viết văn. Một cách để tự thổ lộ những kỷ niệm, những gì của quá khứ mà mình đã lưu giữ qua bao thập niên, viết thay vì nói để xả bớt những gì còn chất chứa trong lòng, chẳng hạn như cứ mỗi dịp xuân về, biết bao nhiêu cây viết tha hương đã tuôn ra những nỗi nhớ da diết về ngày tết thuở xa xưa trên quê hương; mất đi một người bạn thân hay bạn đời cũng là một động lực mạnh thức đẩy cho họ phải viết. Viết như để tâm sự với chính mình. Đấy là những gì sẽ đóng góp cho nền văn chương Việt-Nam, chứ tác phẩm cũng chưa hẳn đã gọi là là văn- chương, cho đến khi nào giống như một viên kim-cương mới lấy lên từ hầm mỏ, phải qua bao nhiêu giai đoạn - trau dồi, chau chuốt, sửa đổi - mới trở thành viên kim cương có giá trị. Mai Thảo có lần đề nghị nếu tôi muốn anh gom những bài của tôi đã từng đăng trên Văn để xuất bản thành một tuyển tập, tôi cười trả lời rằng " định mệnh của anh ra đời để lấy văn-chương làm vợ, chứ đối với em thì văn-chương chỉ là người tình dấu kín, lâu lâu chỉ thích đem ra để ngắm, để vui đùa...". Tuy nhiên, có một nhà xuất bản đã cho ra đời một bộ sách gồm hai cuốn I và II, trong đó là mỗi nhà văn đóng góp một bài - văn hay thơ - cùng với một chút tiểu sử của mình và hình như vào năm 1989, hai cuốn "Tuyển Tập Những Nhà Văn Miền Nam" ở hải ngoại. Tôi có đóng góp (bài Những Mùa Xuân Không Đến), và được họ gửi tặng cho một bộ nhưng sau bao nhiêu lần dọn dẹp đã để quên đâu đó, hay đã bỏ rác rồi cũng không chừng.

Tết năm nay không biết có bao nhiêu người còn nhớ, nhất là đã từng trải qua cái kinh nghiệm, chứng kiến những ngày đầu của cái Tết 68 Mậu Thân năm nào. Tôi thì nhớ lại cái tết cuối cùng của năm Ất Mẹo 1975. Đêm giao thừa trong lúc Thúy-Hoa đang xum vầy ở Đà Lạt để chuẩn bị ăn tết với gia đình, tôi lái xe lang thang trên con đường phố vắng tanh của Sàigòn, hát thì thầm trong đầu bài "Em đến thăm anh đêm 30", cũng muốn bắt chước câu hát " anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng để làm bằng chứng yêu em" và nhớ lại một tuần lễ trước đó; ngày tôi bất chợt lên Đà Lạt khiến Thúy-Hoa vô cùng ngạc nhiên, vì nghĩ rằng phải sau Tết thì cả hai mới được gặp lại nhau. Thấy tôi đang ngồi lù lù ăn chè bên quán chè Dạ Thảo, nàng mừng đến độ quên rằng mình đang mặc bộ áo bà ba trong nhà, chẳng cần son phấn chải chuốt gì cả - mà tôi luôn vẫn thích con gái như thế, không xa hoa, không son phấn - nàng phóng vội qua bên đường để vào ngồi bên cạnh. Những ngày trước tết đã có tin tức, rục rịch đồn đãi về chuyện quốc hội Hoa Kỳ sẽ buông tay, bỏ rơi miền Nam tự lo lấy số phận. Vì không biết tình thế có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nhất là tôi phải có mặt ở Sàigòn để ăn tết với gia đình, sáng ngày 29 tôi đã phải rời xa Đà Lạt mà hành trang mang theo nặng nỗi nhớ. Rồi những ngày tết ấy trôi qua, thay vì những bản tin lạc quan, hy vọng về năm mới sẽ mang lại nhiều điều may mắn cho mọi người, cho đất nước - báo chí đăng toàn những tin tức loạn lạc; căn cứ, thành phố tử địa đầu chiến thuật ở miền trung đã thất thủ, bỏ ngỏ. Nhiều dấu hiệu trong thành phố cho thấy quân đội đồng minh đã âm thầm rút khỏi những cơ sở ngoại giao, chỉ để lại những nhân viên lãnh sự đủ lo cho những việc di tản những người địa phương đã từng làm cho họ; số ít nhà giầu biết lo xa từ trước nên đã cho con du học hay du lịch ngay cả trước Tết, số còn lại đã bán nhà cửa để đổi lấy vàng và tiền đô la, và nhất là người người Bắc di cư năm 54, họ sẵn sàng ra đi cho dù có phải bỏ lại của cải, sản vật sau bao nhiêu năm gầy dựng. Năm đó tôi cũng đã khuyên bảo nhiều người bạn trong lúc la cà ngồi quán cà phê lá me bên cạnh trường Luật, nhưng ít người tin, cho rằng đã bao nhiêu lần quân lực VNCH bị bất ngờ tấn công - như trận Mậu Thân - hay bao nhiêu trận chiến lớn đã từng xẩy ra, nhưng rồi quân ta cũng chiến thắng, dành lại được lãnh thổ, không mấy ai tin vào những biến chuyển chính trị, kinh tế đang xẩy ra ở bên kia nửa vòng trái đất đã có thể ảnh hưởng đến vận mạng của một dân tộc, mà tương lai thì vẫn còn mờ mịt, chưa biết sẽ ngã ngũ về đâu.

Trong tuần lễ này, có lẽ hơn cả triệu người sẽ rời bỏ thành phố Sàigòn để vể quê, về đoàn tụ với gia đình để đón xuân, nhưng con số này chẳng thấm thía vào đâu khi so sánh với cả vài trăm triệu dân Trung Quốc rời bỏ những thành phố lớn, tỉnh xa lạ để về với gia đình ăn Tết. Đó là một cuộc di dân vĩ đại xẩy ra hàng năm mà ngoài nước Tầu ra ít ai biết hay nghĩ đến. Có lẽ vì đó là chuyện thường tình, không quan trọng bằng những bản tin cho biết rằng dân Do Thái ở khắp Âu Châu - sau vụ thảm sát 12 người tại Ba Lê tháng Một vừa qua - nay đã chuẩn bị di dân lần thứ hai (sau khi họ đã chạy trốn khỏi những quốc gia đã bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong thời thế chiến thứ II) vì họ thấy Âu Châu đã không còn yên ổn, an toàn cho họ nữa. Ngay cả theo con số thống kê về sự di dân của nước Do Thái mới đây, nhiều người sau những thập niên 1940-1970 đã tìm đủ mọi cách để ra khỏi nước Nga để trở về nơi đất hứa - khi dân Do Thái - từ khắp nơi mọi ngã đường trên thế giới - đã trở về lập quốc năm 1949. Bây giờ thì số người vì lý do an ninh, an toàn đã và đang làm thủ tục để trở lại nước Nga ngày càng tăng. Những bản tin như thế chẳng mang một "ký lô" quan trọng gì bằng những chuyện như đội Seahawks thua trận SuperBowl thứ 49 vừa rồi; hay tin đồn rằng hãng Apple đang chuẩn bị, cải tiến và sẽ ra đời cái iPhone7 trong năm nay hoặc đầu năm tới; chuyện khủng bố của nhóm IS/ISIL, chuyện chiến tranh "nội bộ" ở Ukraine....tất cả chỉ là những xảo thuật "dương đông kích tây". Ít người biết rằng cái biến cố Gulf of Tonkin ngày 5, tháng 8, 1964 - cũng là màn ảo thuật - đã đưa đến cuộc chiến tranh tương tàn ở VN; đã được gầy dựng để che đậy sự kiện nền kinh tế và đồng đô la thời bấy giờ đang trên đường suy xụp, cộng thêm vào đó là thay vì để chủ nghĩa CS phát triển và bành trướng ở Nam Mỹ, ngay phía cửa sau của Hoa Kỳ; người ta mở một mặt trận mới, thật xa - như ở Việt Nam - để quy tụ mọi binh lực hay gom thiệt thòi nếu có cũng ở đó; luôn tiện cũng là nơi để họ thí nghiệm, thử những vũ khí và chất hóa học mới chế biến.

Cái sự kiện ngày 15 tháng 1, 2015 vừa qua, khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã bất ngờ tuyên bố hủy bỏ sự giới hạn hối xuất giữa đồng Swiss và đồng Euro - tầm quan trọng của nó còn hơn cả vụ “Gulf of Tonkin 1964" gấp trăm lần - nếu không dám nói là sẽ gấp vạn lần; vì đó như là phát súng báo hiệu cho một cuộc chiến tranh tiền tệ đã chính thức bắt đầu - sau hơn hai thập niên âm thầm giao tranh trong bóng tối.

Sau cái tết Ất Mùi này, không biết có phải là khi mình về già thì mọi việc và thời gian cũng hầu như xẩy ra và nhanh dần đều. Xưa làm về IT tôi biết qua cái gọi là MBF/MTBF (Meantime between failure), nghĩa là khi sản xuất cái màn hình (monitor) hay ổ cứng (hard drive) chẳng hạn, người ta có thể ước tính và cho biết những thứ này trong khoảng bao lâu thì sẽ xẩy ra "sự cố" (hư hỏng), mà con số càng cao, càng nhiều (thí dụ như 5,000 giờ, 10,00 giờ...) thì càng tốt, chứ mới mua sài vài ngày vài giờ mà đã hư hao thì chán chết ai thèm mua. Cách đây hơn thập niên trở đi, lâu lâu cả năm người ta mới thấy có một vài bản tin với sự kiện lớn xẩy ra, thí dụ như vụ thảm sát những lực sĩ Do Thái tham dự thế vận hội mùa hè Munich 1972, mãi đến tháng 10, 1973 mới có vụ chiến tranh ở vùng Trung Đông mà dân Do Thái thưòng gọi là Yom Kippur War (khối Ả Rập gọi là Ramadan War). Những năm gần đây, tin tức quan trọng tương tự như thế mỗi ngày một xẩy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn và chẳng cách xa nhau là bao nhiêu - tính theo cái "công thức MBF/MTBF" thì cái thế giới này không chừng cũng sắp sửa "hỏng" tới nơi.

Đối với tôi, biết như thế không phải để bi quan hay lạc quan, vì đó là những sự việc tất nhiên - như mặt trời mọc ở hướng đông, lặn hướng tây", nhưng biết mặt trời sẽ mọc lúc nào và sẽ lặn lúc nào để mình sách máy ảnh,ra ngồi canh để chụp những buổi bình minh hoặc hoàng hôn, khi ánh nắng sẽ cho những mầu sắc không thể có giữa ban ngày, hay ít ra biết trước trời sẽ mưa mà mình cũng chẳng buồn, chẳng chán - không phí thì giờ để đi không rồi lại về tay không - mà thay vì đó mình ở nhà pha ly cà phê; chau chuốt cho vài tấm ảnh qua Photoshop; hay đọc một cuốn sách, viết vài mẫu chuyện nhảm nhí cho qua ngày. Tết năm nào cũng xẩy ra, nhưng có người thì vui và có kẻ lại buồn, và năm nào cũng diễn đi diễn lại chừng ấy chuyện. Áp dụng câu này cho tất cả những sự kiện, sự việc khác xẩy ra trong đời, tôi nghĩ - hiểu được cái chu kỳ, tuần hoàn của nó thì sẽ chẳng khó để biết trước tương lai, những gì sắp xẩy đến. Chẳng riêng cho Khổng Minh - Gia Cát Lượng, trong kinh thánh đã từng nói như thế - đại khái "thấy lá vàng là biết mùa thu đến", nghe tiếng vợ gọi "viết xong chưa?" mà không mau mau dọn dẹp để vào phòng thì mùa đông năm nay sẽ kéo dài thê thảm, đừng hòng nghĩ chi tới chuyện tết với nhất!

SVT 02/11/2015

Về đầu trang

TẢN MẠN HỘI LÃO BÀ BÀ - LY74

Trần Văn Sanh

Hôm qua là ngày tôi thuê chiếc YAMAHA làm tài xế xe ôm để đưa đón, đưa mấy "Lão Bà Bà" của hội LY74 tụ tập nhau ở nhà Phượng, nằm trên con đường Tô Ngọc Vân, bên cạnh con kinh đào do nước Đan Mạch xây tặng, tôi đặt tên nó là Kinh Seine cho thơ mộng như giòng sông nổi tiếng bên Pháp, mà cũng hợp lý thôi, vì mấy "Lão Bà Bà" này toàn là dân trường Tây cả mà.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ để mấy người bạn gái tha hồ mà trò chuyện, tôi trở lại để đón ThúyHoa & Thu-Hương. Trong lúc chờ đợi mọi người đi bộ từ nhà của Hạnh trở về nhà Phượng, tôi đứng chờ bên kia con kinh đào và ngắm ánh nắng buổi chiều sắp tàn. Thu-Hương tưởng tôi không thấy nên dơ tay vẫy, trong khi đó Hạnh và Thúy-Hoa còn lọt tọt mãi cuối đường.

Tuy nhỏ tuổi và nhỏ con nhất bọn, nhưng Thúy-Hoa lại nhiều tóc bạc, đã thế còn không chịu nhuộm, phần bị đau lưng cho nên bước đi chậm chạp nhất - cho nên không những giống mà như là một bà già trầu chính hiệu, không phải như ba "Lão Bà Bà" kia, chỉ có mang cái thương hiệu" thôi, chứ mọi người vẫn còn phong độ như con gái chỉ mới gần...60.

Hạnh,Thúy-Hoa Phượng, Thu-Hương Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà tôi muốn đưa Thúy-Hoa trở về Đà Lạt, đó chính là tình bạn của những người đã từng học chung với Thúy-Hoa, mà mỗi người đều chứa đựng những kỷ niệm của tuổi thơ ấu, thời trưởng thành của nhau và với nhau. Nhìn hình ảnh của bốn người bạn gái ngày hôm nay còn đứng chung và cười đùa với nhau, đó là những diễm phúc của tuổi về chiều khi họ còn có nhau trong khi có những người thân trong gia đình nay đã cách xa mỗi người mỗi phương trời hay đã ra đi vĩnh viễn.

Hoa-Dung đi buôn món chè không lời!

Hôm trước đó, Thúy-Hoa ghé thăm cô bạn hàng xén Hoa-Dung, mà tôi nghĩ có lẽ nhờ buôn bán hàng, không lắm bon chen, phải nhiều thủ đoạn như làm việc ở văn phòng; phần vẫn còn cái điệu của con gái Huế, cho nên nhìn Hoa-Dung trông trẻ hơn là những người phụ nữ cùng tuổi. Tôi phục nhất là làm sao mà bộ óc của Hoa-Dung làm cách nào mà nhớ được hết hơn cả trăm món hàng khác nhau, cái lớn cái nhỏ và giá cả khác biệt cho từng món. Lần nào ghé thăm, Thúy-Hoa cũng được Hoa-Dung đãi ăn - nếu không là những dĩa bánh Nậm, Bánh Bèo - hay ít ra vài chén chè đậu Ngự, đậu Váng thật tuyệt, do người chủ đã từng nấu trên 50 năm - và tôi cũng được ăn ké - ngon thật tuyệt vời. Bởi vì tôi vốn có cái tánh khoái ăn ngọt từ khuya, được "phát huy", và trăm hoa đua nở khi tôi đặt chân lên đất Đà Lạt, thường hay trụ trì ở quán chè Dạ Thảo, Mai Hường trên đường Minh Mạng xưa.

Bà trùm Thu-Hương đưa "Lão Bà Bà" Thúy-Hoa đi bẻ lưng Khi xuống California vùng OC thì đã có "Lão Bà Bà" Quý săn đón, về Đà Lạt và ở gần những người bạn như Thu-Hương, Hoa-Dung, Hạnh, Phượng...Thúy-Hoa vẫn còn được chiều chuộng như cô bạn học trò nhỏ bé nhát như thỏ đế ngày xưa. Nhờ vậy mà tuy chỉ là "rể của LY74", ít ra tôi cũng được ké, chưa bị lôi ra đấu tố hay dũa tới nóc. Coi bộ hay/giỏi vẫn không bằng hên!

Cả bốn "Lão Bà Bà" của LY74 nói chuyện ở nhà Phượng chưa hết, chưa đã - họ kéo nhau sang nhà Hạnh để bù khú tiếp tục. Chiều xuống đói bụng nên cả nhóm rủ nhau đi bộ sang quán bán Cà-Ri Vịt bên cạnh nhà đặng nạp thêm nhiên liệu rồi sau đó trở về nhà của Phượng để nối tiếp câu chuyện. So với hai năm trước, Phượng vẫn thế, không thay đổi; còn Hạnh thì sau vụ tai nạn thì nay trông khỏe mạnh hơn. Riêng "Lão Bà Bà" Thu-Hương thì khỏi cần nói nhiều, tiếng tăm nổi nhất khu Xuân-An, với bạn bè thì trước sau như một, không có chuyện mầu mè "hoa lá cành trăng lên lều vải", treo đầu chó bán thịt heo và nhất là rất nhiều chuyện vui để kể - đến nỗi cô em dâu của tôi năm ngoái lần đầu lên ở gần với ThuHương chỉ vài ngày mà lòng đã "kết" người bạn của chị dâu, năm nay nghe nói hai vợ chồng tôi lên Đà Lạt, cô nàng vội đòi theo lên ngay, để được gặp lại Thu-Hương. Bù lại, ai thuộc loại "cà pháo, cà chua" thì sợ & ngán Thu-Hương như bà Trùm chính hiệu - à không, còn hơn ông Trùm chính hiệu có nhãn tòa con gà cầu chứng!

Đây chỉ là những chuyện tôi chỉ kể bên lề, xen kẽ những khoảng thời gian hai vợ chồng chạy rông đi xem nhà, xem đất tìm chỗ cắm dùi cho mai sau. Mỗi lần nghe nói tôi ở khu Xuân-An, ai cũng bảo ở đó sướng - là nhờ đủ loại hàng quán vừa ngon vừa rẻ. Hôm nọ nói đùa, đã thế còn được Thu-Hương chăm xóc cho hai vợ chồng tôi từ A-Z, tội vạ quái gì phải đi đâu, cứ cắm dùi ở lỳ đây là khỏe re. Chỉ sợ mai mốt Ngọc-Sương dẫn nguyên cả "bộ lạc" từ bên Úc Châu về, với cả dâu, rể, cháu chắt - mà mới đây đã khoe có thêm chàng rể với đứa cháu ngoại - chắc mình phải sớm ra rìa là cái chắc. Kệ tía, tới đâu hay tới đó, mình xưa nay vẫn là dân bụi đời mà.

SVT Đà Lạt,

Ngày 05, tháng 8, 2015


Về đầu trang

Tản Mạn,à không!Tào Lao Chuyện Ở San Jose

Trần Văn Sanh

Từ San Jose muốn xuống Orange County, hay từ OC trở về San Jose, ai cũng phải đi qua "ải 152" - liên tỉnh lộ 152 chạy ngoằn ngòe quanh dẫy núi đồi vùng Gilroy, mất hơn một tiếng đồng hồ mới gặp xa lộ 101 hay quốc lộ 5 xuôi Nam-Bắc

Tuần lễ vừa rồi nhận được đến 4, 5 tin Chia Buồn, làm chạnh nghĩ rồi có ngày mình cũng sẽ phải "lên đường", nên nổi máu ngông viết lại dăm câu thơ:

Mai ông mất, chả cần ai đưa đám
một thùng xăng, cây diêm quẹt cũng xong
đừng chia buồn, mà cũng đừng nhỏ lệ
cát bụi thôi, có chi phải nhọc lòng

nhưng khoan đã, bây giờ ông còn sống
mắc mớ gì, lo nghĩ chuyện tào lao
không có ông, đời cứ vẫn xôn xao
vậy cỡ nào cũng nên chơi tới bến!

Mai ông mất, chả cần đốt ngọn nến
cũng chả cần phung phí một bó hương
vì điều gì chẳng muốn rồi cũng đến
sao không vui với nhau một chặng đường.

Mãi hơn một thập niên vừa qua, nay bốn anh em trai mới có dịp gặp lại và ở gần nhau, nhất là để bố mẹ gặp mặt trong quãng đời nay còn mai mất. Trong bốn anh em, thằng út tuy không phải tuổi Ngọ nhưng tử-vi có sao Thiên Di, đi còn hơn ngựa. Ở Singapore và làm việc vài năm, xong lại bay sang ở Tiệp Khắc sống dăm ba năm, rồi qua Trung Quốc cũng vài năm, biết tiếng Quan-Thoại đủ để tán gái Tầu , và hơn 7 năm ở Việt-Nam; do đó - hiếm khi buổi đoàn tụ nào lại có mặt nó.

Thằng anh trên nó vài tuổi, cũng chẳng phải tuổi Ngọ, nhưng vì công việc là một Kỹ Sư Lưu (hay Di) Động (Field Engineer) nên hãng thường gửi đi công tác xa; còn lại thì mỗi người một phương trời, lái xe mệt nghỉ mới đến nhà nhau. Do đó, tụ tập đầy đủ chung một mái nhà phải nói là chuyện hi hữu.

Thế mà hôm nọ, trong lúc ăn trưa kể chuyện, tán dóc; đứa em nói dỡn một câu, vô tình chạm tự ái thằng anh trên nó, thế là bữa ăn đang vui vẻ bỗng trở thành cãi lộn, vô duyên. May mà hai đứa còn nể mặt anh cả, nên chập sau cũng huề cả làng. Điều này làm tôi nhớ lại bài "TẠP GHI từ San Jose" tôi viết trước đây hơn một tuần.

Trong văn chương hay báo chí, khi người viết bỏ chữ vào giữa hai dấu ngoặc "" (hay ' ' ) thì điều này - ngoài chuyện ám chỉ đây là lời nói, câu văn của người khác được trích ra - nó còn mang nghĩa là chữ đó, câu đó đã không còn nguyên vẹn cái ý nghĩa chân chính, chính xác của nó, mà còn là một sự ẩn ý chê bai, diễu cợt, giảm mất giá trị, hay hoàn toàn ngược lại; tất cả còn tùy vào nội dung (context) của cả một đoạn hay cả câu chuyện. Thí dụ như hai chữ: văn hóa, khi được đóng ngoặc thành "văn hóa" - thì nó lại mang một ý nghĩa khác.

Cho thí dụ: Văn hóa cúa dân SG trước năm 75 xem ra, vẫn còn cao hơn cái gọi là "văn hóa" của thành phố HCM bây giờ. Đây là một cách để mỉa mai, châm biếm cho cái "văn hóa" tạp nhạp hiện tại.

Hơn tuần lễ trước, quá rảnh lại chả biết mình sẽ viết gì, nhân tiện thấy có kẻ "lèm bèm", than rằng sao dạo này diễn đàn của một trường nọ "vắng như bà đanh" , trong đó có đoạn tôi viết : ‘Ngoài ra chả thấy một chút gì gọi là tính chất "văn hóa", nhiều khi còn thua xa nếu đọc những tờ báo lá cải phát cho không ở ngoài chợ ’. Cái "văn hóa" đây có tính cách đùa giỡn (hay hoặc dở còn tùy người đối...thoại) dùng để so sánh, đi đôi với danh từ "lá cải" - chủ ý đại khái là "chời ơi! dân trường Tây không lẽ lại không có ba cái chuyện "lá cải" như dân trường ta (VHĐL) ? ", mà nếu chỉ nghĩ theo cách nghiêm trang một chút (không có máu khôi hài) thì người ta cũng dễ có thể trả lời là "ừ, tôi thế đấy, không ưa viết ba cái chuyện tào lao thì đã sao?"

Dụng ý của bài (TẠP GHI từ San Jose) tôi viết trước đây, thật ra ý chính là muốn nêu lên một hiện tượng trong xã hội - không chỉ riêng ở nước Mỹ, mà còn cả Âu Châu - là sự im lặng của đám đông; đã nhút nhát không dám đứng lên nói sự thật hay những điều trái tai, gai mắt. Vì tuyên bố câu nào - dù hoàn toàn đúng theo kiến thức thông thường (common sense) - là sẽ bị phỉ báng, chửi rủa; do đó thiên hạ đâm ra sợ dư luận, sợ liên lụy, mất công ăn việc làm - có khi mất cả mạng, đến nỗi riết rồi ai cũng phải dè dặt, gì cũng sợ. Luôn tiện muốn thọt lét thiên hạ, nhất là dân LY74, vì cái diễn đàn thỉnh thoảng chỉ toàn là những tin mừng sinh nhật, xin chia buồn, v.v...ngoài ra thì thường vắng hoe như chùa Bà Đanh - hổng dzui cho lắm (thú thật, đến bây giờ tôi cũng cóc biết chùa Bà Đanh ở đâu, như thế nào, chỉ dùng cái "huyền thoại" hùa theo thiên hạ có vậy thôi). Nói cho cùng, nếu diễn đàn được "xôn xao, nhộn nhịp" hơn cả ba cái tờ báo lá cải thì có quái vinh dự gì, ngoài việc có chuyện để "bà tám", cơ hội để lèm bèm chơi cho có chuyện?

Hai năm trước, trong một chuyến xuống OC, được bạn bè rủ đi kéo ghế ăn tiệm. Trên đường đi, một người kể cho mọi người nghe câu chuyện - vừa thương tâm, vừa rùng rợn là có một cặp nhân tình trẻ du lịch sang Trung Quốc, trong lúc cô gái đi vô phòng vệ sinh của một nhà hàng, chờ lâu quá nên người thanh niên nóng lòng và lo sợ đi tìm, vào bên trong thì thấy xác cô gái nằm trên vũng máu, mất đi phần nội tạng nào tôi đã quên béng đi mất !

Ngay sau bữa ăn tối hôm đó, thấy Thúy-Hoa đi vào phòng vệ sinh coi bộ cũng khá lâu, nên tôi buột miệng nói đùa: "Để tui dô xem mụ dzợ có bị mất phần nội tạng nào không đây ta !". Ai cũng phá ra cười - trừ một người lại thấy hổng dzui, cho đó là một chuyện nghiêm trọng chứ chẳng phải là để đùa! Quả là cũng cùng một câu nói, nhưng phản ứng lại khác nhau. Thế nà thế lào? Đấy là chưa đá động đến cái máu tếu của người Bắc khác hẳn với người Trung, người Nam; cộng thêm cái "bé cái nhầm" về ngôn ngữ khác biệt nữa cho nên cũng lắm chuyện dở khóc, dở cười. Mấy anh chị em góp tiền hàng tháng để nhờ người giúp đỡ bố mẹ chuyện nấu nướng, giặt giũ trong tuần. Hôm kia mẹ tôi bảo cô giúp việc: "ném những thứ này ra ngoài dùm bác!", thế là cô nàng lon ton đem đi bỏ vào thùng rác, trong khi ý của mẹ tôi muốn cô ấy cứ thẩy vào ở một xó rồi sẽ tính sau". Hóa ra, với một người chữ "ném" bỗng trở thành "vứt" (bỏ) đi ngang xương! Chưa đâu, không phải là dân Huế kỳ cựu mà nghe câu "đôi ngoài cươi " thì chỉ có thánh mới hiểu đó nghĩa là "vứt ra sân" (đôi= vứt/ ném/liệng ). Xưa tôi viết câu thơ "đời vốn buồn, chuốc thêm sầu chẳng lẽ?", xuất xứ từ cái triết lý gàn của mình là chả cần phải kiếm chuyện, hay thọc gậy bánh xe - mà đời cũng khơi khơi đem đến vô số chuyện phiền toái đến với mình, vậy thì hơi đâu cần phải nhọc công "chọc kít ra ngửi", cho thiên hạ đâm ra dễ "búc xúc"! Nói chơi cho thiên hạ vui nên coi chừng, cũng có lúc sẽ bị bị dũa tơi tả. Oh! what tờ hell

Đời vốn thế, chả bao giờ làm tất cả thiên hạ được hài lòng. Hên xui thì còn tùy thuộc mình bị "tới số" hay không, chẳng hạn như nếu 99 người thấy dzui mà chỉ 1 người lại không được "hồ hỡi" cho lắm thì coi như mình cũng đã quá "lucky" - là may lắm rồi. Trái lại, nếu lỡ cái người "không dzui", táo bón đó lại là một kẻ "chóp bu", quyền năng như thượng đế thì coi như mình...tới số!

Oh, what tờ hell. Đời là thế !

SVT 04/09/2016


Về đầu trang

Thư Cho Thầy

Trần Văn Sanh

Tối hôm qua hơi khó ngủ, chứ thường thì "con gà" đã hết gáy và vô chuồng ngủ khò bắt đầu khoảng 9 - 10 giờ.

Tôi ngồi đọc bài "Muộn màng" của Dậu và lá thư "Văn Học" của thầy Diễm để giết thì giờ - mà cũng bởi lá thư của thầy, đã làm cho tôi gợi nhớ lại cái khoảng thời gian ngà ngọc ấy. Cái "sự nghiệp" vỏn vẹn của thầy trong mấy năm dậy học ở Đà-Lạt khi xưa cũng đã từng là một giấc mộng bình thường của tôi thời đó - nghĩa là sau khi lấy được bằng ĐH, tôi sẽ về lại chốn cao nguyên đó để dậy học, xây một mái ấm trong mảnh đất và căn nhà sàn chính bàn tay mình dựng lên. Định mệnh có lẽ đã được xếp đặt cho đất nước và cho bao triệu người dân Việt - trong đó dĩ nhiên có cả tôi - đã mang tôi ra khỏi quê hương và mãi mãi không thể thực hiện được cái giấc mộng cỏn con, bình thường đó.

Thầy Diễm bảo "thực tình xấu hổ mà thấy mình chỉ nhớ được một vài tên", thì có lẽ tôi sẽ là người đáng xấu hổ hơn vì cũng chẳng nhớ gì nhiều hơn thầy, duy có một điều cũng thú vị là tôi không nhớ một thầy nào cả, trừ thầy Diễm - mà có phải hay ho vì nhớ được những bài Luận Lý thầy giảng đâu! Tôi nhớ thầy Diễm chỉ vì một hôm không hiểu vì nguyên cớ gì, thầy lại hứng chí diễn giảng, phân tách bài "Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng" cho cả lớp - đó là bài tôi say mê qua giọng hát vô thời gian của Thái Thanh lúc bấy giờ. Bây giờ tôi cũng cóc nhớ rằng hôm đó thầy đã phê bình gì về bài hát đó, chỉ nhớ rằng thầy có lối giảng dậy, nói chuyện rất có duyên mà tôi nghĩ cô - vợ của thầy - chắc cũng đã một thời chết mê mệt.

Cũng như lời thầy Diễm nói "những người mà ta chỉ nhớ và thương một cách chung chung vì chúng gắn liền với một đoạn đời đẹp đẽ của ta?".

Quả thật, không có khoảng thời gian nào đẹp nhất trong đời bằng cái khoảng thời gian khi chúng ta còn tụ tập ở dưới mái trường từ Tiểu-học đến bậc Trung-Học. Có lẽ cũng chính vì thế mà thầy Diễm đã nhìn nhận rằng " bao nhiêu biển dâu, bao nhiêu “nước chẩy qua cầu,” mà vẫn còn nhớ đến nhau.", đó có phải là nhờ chúng ta đã lớn lên trong một nền văn-hóa, giáo dục nặng về tình thân, ân nghĩa hơn là cái văn-hóa phù du đầy ảo tưởng hiện tại.

Nếu cho rằng hiệu trưởng là nền móng xi-măng của một ngôi trường, thì thầy cô sẽ là những viên gạch xây tường, xây mái ngói để che chở và uốn nắn chúng ta trong những lớp học văn-hóa trong đời, không có thầy cô thì chúng ta đã không có những văn hóa quý giá đó để giao lại cho thế hệ sau, và nếu không có bạn học cùng trường cùng lớp, có lẽ cái khoảng thời gian ngà ngọc ấy cũng chỉ là một trí nhớ xa vời hay đã chẳng còn hiện hữu, mà cho dù nếu còn, tôi không biết mình sẽ chia sẻ, kể lại những kỷ niệm của một thời tuyệt đẹp ấy trong đời cùng ai. Bởi vậy, xin riêng cám ơn thầy Diễm, các thầy cô khác, và cám ơn các bạn đã chia sẻ cùng tôi trong một thời đã qua và một thời còn lại của bọn mình.

Trần Văn Sanh 11/2013

Về đầu trang

TÔI LẤY VỢ ĐẦM

Trần Văn Sanh

Đọc cái tựa đề, có thể bạn đã nghĩ chắc tôi lấy một cô vợ người Pháp, hay ít ra một người Anh, Mỹ hoặc Úc, tóc vàng da trắng chẳng hạn; nhưng bạn ơi, đó chỉ là một thủ đoạn ngôn ngữ tầm thường, rất thông dụng trong nghành truyền-tin, thương-mại và nhất là trong lãnh vực chínhtrị, dùng để lôi kéo sự chú ý của người xem, để sau đó mới thực sự rao bán hay trình làng thứ mà họ thật sự muốn quảng cáo, muốn nói đến.

Vợ tôi chính gốc chẳng phải là một người Pháp hay lai Pháp gì ráo, mà nàng chính là dân Huế - gốc Gia Hội - đặc sệt, nhưng vì từ lúc còn bé theo học trường Tây của mấy bà ma soeur - cho đến hết bậc Trung-Học đệ nhị cấp ở Lycee Yersin, Đà Lạt, bởi thế cho nên tuy tiếng tây nàng nói như gió, đọc & viết tiếng Pháp như đầm Tây; nhưng vốn liếng văn chương tiếng Việt của nàng không đủ đong được dăm ba bữa gạo, nhiều lúc cứ như là cô đầm Tây lỡ ăn mắm ruốc, mê lấy chồng Việt! Chú ý, tôi chỉ đề cập đến cái yếu kém về văn-chương Việt của nàng thôi nhá! Điều này thì có gì mà lạ, chứ không thì cả nước đã toàn là những văn-sĩ, thi-sĩ thì miễn cần phải bàn.

Đấy không phải là cái lý do tôi đã dùng cái tít giật gân như thế để muốn nói mình lấy vợ "đầm".

Có lẽ bây giờ bạn cũng sẽ thắc mắc "Xí! tưởng gì - lấy vợ học trường Tây thì có gì hay ho, đặc biệt đâu mà phải cần đến cái mánh lới xua như trái đất, cũ như thời Bành Tổ", nhưng nếu bạn biết rằng trưóc khi gặp nàng, tôi thù học tiếng Pháp từ hồi còn nhỏ, rồi khi lớn lên học sử 100 năm thời Pháp thuộc, tôi càng ghét cay ghét đắng thực dân Pháp. Khi biết ăn chơi nhẩy nhót một chút, tôi lại càng đâm ghét con gái dân trường tây chảnh chẹ, làm phách như ở nữ-sinh ở Regina Pacis, và nhất là con gái học trường Mary Curie ở Sàigòn. Vậy rồi ruốt cuộc tôi lại rinh về nhà một cô vợ học trường tây, thế mới gọi là oái oăm không cơ chứ! Rõ ràng là câu "Ghét của nào trời cho của nấy" quả không sai một ly ông cụ!

Sở dĩ tôi ghét cái gì đụng chạm đến người Pháp, tiếng nước Pháp bởi vì thưở nhỏ, tôi không nhớ là tại mình đòi, hay bố mẹ muốn gởi tôi theo bà ngoại lúc đó vào Sàigòn ghé thăm, về Đà-Nẵng ở chung với ông bà và các cô. Ông ngoại ngày xưa từng là quan cho người Pháp, giỏi ngôn ngữ Pháp văn, bởi thế cho nên bắt thằng cháu mới sáu, bẩy tuổi tập đọc và đếm bằng tiếng Pháp mà mỗi lần không thuộc hay đọc sai, không đúng giọng là tôi bị cây roi tre phết vào mông, có lúc đau đến quắn đít! Tôi không thuộc hạng thần đồng, học một biết mười hay ít ra học đâu cũng nhớ đó. Hơn nữa ở cái tuổi ham chơi hơn là ham học, xa bố mẹ và các em nên tôi thường hay nhớ nhà, chưa kể là tôi lại có máu hay mộng mơ, đầu óc thỉnh thoảng thích cứ để nó lơ tơ mơ, cho nên bị ông ngoại đánh đòn dài dài.

Oán ông ngoại thì ít, mà thù tiếng Pháp thì nhiều, sao mà khó học thấy mồ tổ. Mẹ! Cái bàn "La table" mà cũng bầy đặt chia giống đực, giống cái. Tò mò chui xuống nhìn phía dưới gầm bàn có thấy quái gì khác nhau đâu? Có một điều hồi đó tôi cóc biết, mỗi khi ông ngoại bắt tập đếm bằng tiếng Pháp tử 1 đến 10, tôi cứ phải lải nhải đọc theo lời ông phát ngôn theo kiểu Tây Việt đề huề có vần cho dễ nhớ:

- Ăn "Ong" (Un) bà đầm

- Dạ, ăn "Ong" bà đầm...

- Ăn "đơ" (deux) bà đầm

- Dạ, ăn "đơ" (deux) bà đầm...

- Tiếp đến số 3 là gì?

- Dạ, ăn "troa" (trois) bà đầm...

...

Cứ như thế cho đến khi đến con số mười, khi tôi đọc xong câu: Ăn "đít" (dix) bà đầm" thì lúc đó không hiểu sao ông ngoại lại cười phá lên, ngồi rung đùi vừavuốt râu. Cóc biết, tôi tưởng chắc mình đã phát âm đúng tông như dân Tây chính hiệu cho nên cũng khoái thầm trong bụng. Sau này khi lên đến lớp đệ Tứ phải chọn học thêm một ngoại ngữ, ba tôi cũng thuộc cựu quân nhân, tốt nghiệp trường Hạ Sĩ quan do Pháp huấn luyện, cho nên bắt tôi phải chọn sinh ngữ Pháp Văn, và cũng giống như ông ngoại, ba tôi rất nghiêm và đòi hỏi tôi phải tường tận, giỏi văn-phạm và văn chương nước Pháp - mà càng ép tôi bao nhiêu, tôi lại phản kháng mạnh ngược lại bấy nhiêu - một cái tánh ngang bướng không biết giống ai. Ba tôi không biết rằng sau khi mua cho tôi cuốn " Cua Xào Lăn" ( Cours de Langue ) đắt tiền in từ bên Pháp, tôi đem nó bán ở khu chợ Cũ, rồi vào nhà sách Khai-Trí mua một cuốn cũ hơn nhưng giống y-chang in ở Việt-Nam mà giấy và bìa mỏng với giá rẻ hơn nhiều, tiền còn lại tôi đem ăn phở, và cứ tới giờ Pháp-văn là tôi hay leo rào cúp cua đi thục bi-da với đám bạn. Hôm nào tôi siêng học thì chẳng nói làm gì, hôm nào lười mà bị xui gặp thầy Pháp-văn gọi lên bảng trả bài, tôi tỉnh khô đứng ngay tại chỗ trả lời bằng câu tiếng Pháp thuộc nằm lòng và giọng thật là chuẩn (nói nhiều lần quá mà!):

- Excuse moi, je ne sais pas quoi que ce soit! (Xin lỗi, tôi cóc biết gì hết!)

- Bon! deux zéros.

Tuy ghét học Pháp-văn, nhưng khi phong trào hippie du nhập vào Việt-Nam khoảng giữa thậpniên 60, lúc nhạc Pháp và nhạc Rock bắt đâu thịnh hành trong giới trẻ mới lớn, tôi cũng gia nhập vào giữa cái luồng sóng âm nhạc và thời trang đã thổi mạnh, lôi cuốn cả Âu Châu. Lần đầu khi nghe Sheila hát bài "Pendant les vacances ", rồi nghe cả France Gall qua "Poupee De Cire, Poupee De Son", tuy chỉ hiểu lõm bõm ý nghĩa của bản nhạc tôi cũng đã thấy thích. Khi nhìn những tấm hình của người nữ ca sĩ trẻ tuổi có giọng hát và khuôn mặt xinh như một búp bê, tôi công nhận là lúc đó mình bắt đầu thích gái Tây; gớm, sao mà trông dễ thương tệ! Điều này chứng tỏ tôi không phải là loại người hay vơ đũa cả nắm. Chỉ ghét những gì đáng ghét thôi, chứ con gái trường Tây hay Tầu nào cũng thế, hễ đẹp và dễ thương là tôi khoái liền, nhưng bạn biết mà, đời làm gì đơn giản mãi như thế! Lần đầu được thằng bạn cuối tuần rủ đi dự một cái "bum" của dân trường Tây, dĩ nhiên ở đó thì thể nào cũng được nghe vài đĩa nhạc mới, và con gái học trường tây mặc mini-jupe (có khi cả đến midi-jupe!) thì khỏi chê vào đâu. Than ôi, trong buổi dạ vũ hôm đó, họ chỉ sổ tiếng Tây với nhau và tránh né dân trường Việt ra mặt. Thế là "mối thù dân tộc" cũ lại nổi lên trong tôi. Tôi thề sẽ cóc đi những cái bum của dân trường Pháp, đếch thèm tán con gái học trường Pháp chi cho mệt (nghĩ trong bụng họ mà chê bai bằng tiếng Tây mà mình cóc hiểu thì thật là xệ lắm lắm).

Thế mà vài năm sau, tôi chạy trời cũng không tránh khỏi cái số phải lấy vợ trường đầm! một nàng đầm-Việt học Lycee Yersin ở Đà-Lạt, thành phố núi mà tôi muốn ẩn náu một thời gian, tạm lánh bụi trần và chốn ăn chơi của Sàigòn. Mà thiệt tình, khoảng thời gian đó tôi cũng đã nghĩ chuyện gia-nhập vào một tu-viện nào đó để hát bài "Vì tôi là linh mục", chẳng còn thiết đến chuyện yêu đương, tán gái. Ở Đà-Lạt hơn một năm mà không quen biết mấy ai, chỉ trừ một thằng bạn cũng có máu giang-hồ, nghệ sĩ khi nó đến làm quen trên một chuyến xe đò hai đứa cùng xuống Sàigòn, nó đi thăm người yêu học ĐH Luật-Khoa, còn tôi xuống để mang lên giá vẽ và mua thêm mấy khung vải đem về lại Đà-Lạt. Định mệnh xếp đặt thật ngộ nghĩnh, thật ăn khớp như do một bàn tay của một nhà đạo diễn tài tình nhưng vô hình, dù thế nào nữa cũng không biết, sau hơn một năm ở đó và trước ngày cuối cùng quay trở lại Sàigòn để tiếp tục bậc ĐH, thằng bạn rủ tôi đi dự buổi tiệc bạn của hắn, ăn mừng ngày cô nàng đậu Tú Tài IBM. Tôi cũng lững thững nhận lời và đi chơi với hắn cho vui. Trong bữa tiệc hôm đó, tôi cóc để ý đến ai như đã từng sống như thế hơn cả năm nay, khi một người con gái có mái tóc thề, mặc chiếc áo dài trông rất hiền lành, thùy mị ngồi đối diện trong bàn tiệc, trò chuyện ra sao lại đưa đến đề tài là nàng cũng sắp xuống Sàigòn để tìm trường Đại-Học. Vốn bản tánh sẵn sàng giúp người, tôi đã không đắn đo và khi không buột miệng mở lời "xin vác ngà voi":

- Nếu cô muốn tìm hiểu, biết gì về những ĐH ở Sàigòn, cứ ghé đến nhà tôi sẽ giúp.

Tưởng là nói như thế, bụng nghĩ thầm chưa chắc người ta dám nhờ vả một kẻ lạ hoắc, lạ huơ, và thêm vào đó nhìn cái bộ vó bơ đời, áo quần tuy không dơ, không mốt nhưng cũ mèm, cũ rích tôi hay khoác lên người (đã bảo là lúc đó tôi bất cần đời, bất cần dư luận cơ mà), không chừng người ta cũng đã thấy ớn, bố bảo dám nhờ! Ấy vậy mà hơn một tháng sau, trong lúc tôi còn đang ngon giấc mộng giũa buổi trưa hè nóng đổ mồ hôi ở trên lầu, nàng rủ người bạn gái - cũng dân học trường Tây - đến quán cà phê của nhà tôi, sau khi ăn gần hết ly chè rồi nàng mới dám bạo dạn hỏi thăm đây có phải địa chỉ mà tôi đã cho nàng lần trước. Hóa ra, sau gần một tháng tá túc nhà người quen và nhờ họ kiếm rồi chỉ dẫn thủ tục nộp đơn vào ĐH, nàng thật không may mắn chả đi được đến đâu. Nàng sực nhớ đến lời hứa của tôi và cái địa chỉ đã cho, nghĩ đây là cơ hội cuối cùng trước khi nàng tính quay trở về Đà-Lạt và có lẽ xin học ở đó. Thỉnh thoảng giờ nghĩ lại, thấy lúc đó sao mình giống như vai Obi-Wan-kenobi trong phim Stars Wars, khi nàng công chúa Leia nhắn gọi khẩn thiết với ông ta là niềm hy vọng cuối cùng cho nàng và hành tinh nơi nàng đang ở.

Một bà "đầm hết còn Tây" đang hướng về mái trường xưa Đối với tôi, điều này quá dễ ợt, tôi chỉ cần gọi nhắn mấy thắng bạn - đứa đang học từ năm thứ hai, thứ ba cho đến đứa đang chuẩn bị bằng Thạc-Sĩ, khắp các ĐH ở Sàigòn, bảo đứa nào mang giấy tờ và chỉ cách điền & nộp đơn, cứ đem lại quán nhà tôi rồi sẽ được ăn chè hay uống Cà phê miễn phí. Tối hôm sau tôi mang chồng giấy tờ của gần hết tất cả các ĐH ở Sàigòn (có luôn cả trường Quốc Gia Hành Chánh - biết đâu nàng muốn học ra trường làm bà phó Quận-Trưởng thì sao?) đến nhà người quen của nàng. Nàng ngạc nhiên nhìn tôi - trố hai con mắt nai tơ - không bao giờ ngờ tôi lại nhanh thần sầu quỷ khốc đến như thế! Chừng khi nàng nhờ tôi điền đơn nộp vào trường ĐH, lúc đó mới tới phiên tôi ngã ngửa ra ngạc nhiên, không ngờ một người con gái có mái tóc dài hay mặc áo dài lại là dân học trường Tây, là một trong những thứ mà tôi đã ghét nhất trong đời!

Dù sao đi chăng nữa, từ đây trở đi chắc bạn cũng đã đoán biết những đoạn đời kế tiếp như thế nào khi tôi lập lại câu "Ghét của nào trời cho của nấy" có phải không?

À, tôi biết bạn đọc đến đoạn này sẽ lập lại câu hỏi như lần trước "Rõ chuyện! lấy vợ học trường Tây thì có gì hay ho, đặc biệt đâu...".

Đúng thế, tôi có bảo lấy vợ học trường tây là ngon lành, sướng nhất xứ, hay là khổ nhất thế giới đâu nào! Sau gần bốn mươi năm lấy nhau, từng quen biết, giao thiệp với những người bạn học cũ của vợ, tôi thấy cho dù ở một chân trời góc bể nào đi chăng nữa, ai cũng đã, đang và sẽ phải trải qua những thăng trầm của đời người, tây hay ta gì cũng rứa! nhưng có một điều thú vị là những người biết rõ về hai vợ chồng tôi, mà kẻ nói tụi tôi sao mà khổ, sống không biết hưởng, trong lúc kẻ khác lại bảo ước gì họ có một cuộc sống như chúng tôi. Giống như một sự kiện đã đuợc đo lường, định giá bằng hai hoặc nhiều đơn vị đo lường hoàn toàn khác nhau, hay nói một cách cụ thể hơn: người đeo kiếng râm nói mặt tôi sao u ám, tối tăm, và người đeo kính cận, hay mắt lèm nhèm nhìn không rõ thấy tôi vẫn sáng sủa, còn ngon lành như thời trai trẻ (thôi mờ, xin bạn hãy cho lão già này được mơ tưởng, le lói vài giây phút). Mà chả cần nói gì đâu xa, ngay cả chính vợ chồng đôi lúc người thì than "sao tui đời khổ quá vầy nè!" trong lúc người kia lại khẽ nói "Coi vậy chứ, mình còn sướng hơn biết bao người". Rồi chẳng bao lâu sau, cả hai bỗng đổi vế, đều nói ngược lại. Cứ y như hai ngưòi đã trao đổi cái thước đo của mình với người khác khi so sánh cuộc đời của mình với thiên hạ. Rõ khổ!

SVT 2013

Về đầu trang

TỬ-VI - Tìm Hiểu Ý Trời

Trần Văn Sanh

Sau cái Tết Ất Mão năm 75, đọc tin tức và báo chí nước ngoài thấy tình thế đất nước đã không còn lối thoát, nhất là sau những cuộc triệt thoái phi lý, bỏ ngỏ những vị trí phòng thủ quan trọng của quân khu I & II và sau khi tin Đà Nẵng đã thất thủ, thuộc vào tay cộng quân, tôi ngẫm nghĩ nếu phải sống lưu vong ra nước ngoài, mình cần phải đem theo những gì trong cái ba lô mà mẹ tôi đã may sẵn cho cả nhà, mỗi người một cái ngay lúc vừa qua Tết. Trong những ngày cuối cùng của miền nam, tôi la cà ở thư-viện Quốc Gia, thư-viện Vạn Hạnh và vào Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa - nơi bố tôi làm việc, có tất cả các loại sách mà bất cứ nhà xuất bản nào cần phải nộp cả chục cuốn trước khi được cho phép in và lưu hành - để lục lạo, tìm kiếm những loại sách có giá trị mà không bị thay đổi theo thời thế; rốt cuộc tôi chỉ có thể mang theo được 5 quyển sách sau khi đã cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ lưỡng. Đó là cuốn Kinh Dịch, Tử-Vi, Tứ Thư Giải Luận Đạo Đại Học, Học Thuyết & Tư Tưởng Chính Trị của Quản-Tử, và cuốn Văn Hóa & Văn Chương Việt Nam của Doãn Quốc Sỹ.

Ban đầu tôi định mang theo cả quyển Học Thuyết & Tư Tưởng của Khổng Phu Tử, nhưng sau khi biết chính Khổng Tử đã từng than rằng mình không bằng một vĩ nhân đã có trước đấy hơn 500 năm - đó là Quản Phu-Tử, hay vắn tắt gọi là Quản Tử, cho nên tôi đã để lại, cho cái ba lô của tôi còn chỗ nhét thêm cái quần dài để mặc - vì thực ra mỗi ba lô chỉ có thể đem theo được 3 hay 4 bộ đồ, ít vật dụng mà tôi chỉ mang mỗi 2 bộ, còn lại là sách và băng nhạc cassette.

Ngoài ra, thay vì đem theo quyển Kinh-Thánh để đọc, nhưng nghĩ bụng ở ngoại quốc thì thiếu gì thứ sách này, vả lại khi dịch qua thêm một lăng kính ngôn ngữ nữa (như Việt ngữ), ít nhiều gì cũng bị lệch lạc, không chính xác - cho nên thay vào đó tôi mang cuốn Tử Vi, để tìm hiểu người xưa muốn biết mệnh trời, mệnh nước hay số kiếp của một người như thế nào.

Rốt cuộc, hai quyển sách mà đã được tôi nghiền ngẫm, chú tâm nhiều nhất lại là quyển Tứ Thư Giải Luận Đạo Đại Học của Linh Mục Bửu Dưỡng, và Học Thuyết & Tư Tưởng Chính Trị của Quản-Tử, mà tác giả tôi đã quên tên, lười tìm kiếm lại vì nó đã nằm trong một trong nhũng thùng đồ vẫn còn dán kín khi dọn nhà hồi năm ngoái. Hai quyển Kinh Dịch & Tử Vi Áo Bí Biện Chứng Học thì đã được tôi lấy ra để trên kệ sách, định bụng có dịp sẽ tiếp tục nghiên cứu những gì bỏ dở sau bao nhiêu thập-niên vì bận bịu gia đình và chuyện công ăn việc làm.

Sở dĩ tôi lơ là với Kinh Dịch và Tử-Vi cũng bởi vì sau mấy năm nghiền ngẫm trước khi rời VN, tôi thấy Tử-Vi chỉ cho mình cách lập lá số (điều này quá dễ đối với những ai muốn biết), nhưng để giải nghĩa, để bàn luận cho chính xác thì cần phải tốn nhiều thì giờ và cần phải có người hướng dẫn, mà đối với một người tị nạn mới chân ướt chân ráo lên xứ người còn biết bao chuyện để lo; rồi sau này hơn thập-niên nghiền ngẫm Kinh Thánh và hai năm được huấn luyện môn Thần Học ở Seattle University - một ĐH tư của Hội Thánh Công Giáo - tôi nghĩ biết vận mệnh của mình rồi mà không biết được Ý trời thì cũng coi như không.

Thực ra, tôi nghĩ cũng không khó để đoán biết thế nào là Ý Trời và làm thế nào để đọc được những tín hiệu, điềm báo trước về chuyện tương lai mà có lẽ nhiều khi con người vì quá chủ quan hoặc không thèm chú tâm về một thế giới siêu hình nhưng hiện hữu, hoặc dù có biết nhưng vẫn không tin. Quan trọng không kém là con người ít chú ý về phương diện tâm linh, không hiểu biết nhiều thế nào là "Thần giao cách cảm" - nghĩ đó chỉ là chuyện huyền thoại, nghịch lý với khoa học - trong khi chính mình không biết tận dụng cái khả năng thiên phú này. Lần đầu đi xem phim Star Wars năm 1977, khi thấy Obi-Wan phát sóng tư tưởng của mình để điều khiển, thay đổi tư tưởng của kẻ khác, tôi thấy thú vị và cười thầm: "Té ra mấy anh Mẽo cũng biết và tin vào điều này". Mãi đến thập niên 80s, một cơ duyên khiến tôi được học và truyền dậy môn Reiki - một môn phái sáng lập năm 1922 do một tu sĩ người Nhật tên Mikao Usui, chỉ cách dùng lòng bàn tay - và nếu học thêm ở bậc cao hơn nữa là dùng thần giao cách cảm để chữa bệnh cho người khác từ xa.

Trở lại cái đề tài tử-vi, tạm coi như đây là một ngành khoa-học của Kinh Dịch (phát nguồn từ Hà Đồ, Lạc-Thư thời vua Vũ & Phục-Hy )– mà người đời sau này thường gọi chung chung là bói toán. Truyền thuyết kể lại là đời vua Phục-Hy (2850 năm trước Tây Lịch) có con Long mã xuất hiện trên sông Hà, nhà vua dùng những vằn trên lưng của nó để vạch thành Bát Quái và đặt tên là HÀ ĐỒ. Đời vua Vũ gặp con thần qui xuất hiện trên sông Lạc, trên lưng nó mang một tấm đồ bí mật nên nhà vua bèn dùng đó mà lập thành chín loại, gọi là LẠC THƯ. Cả hai (Hà Đồ & Lạc Thư) đều chứa đựng những cách làm thế nào để hiểu biết về tương-lai (lẫn quá khứ) do trời ban cho hai vì vua này, để dùng lấy nó mà cai trị dân theo ý trời.

Đây là điều quan trọng và mục tiêu duy nhất của Dịch lý nói chung (và tử-vi hay bói toán nói một cách riêng), vì trong kinh-thánh Tân-ước (New Testament) của thiên-chúa giáo (hay gọi là Ky-tô giáo), của kinh Vệ-Đà (Ấn-Độ giáo), kinh Toran(của Hồi-giáo), hay Cựu-Ước(Old Testament) của Do-Thái giáo… ít nhiều hầu hết cũng có đề cập, ghi nhận rằng người xưa đã dùng những lời tiên-đoán về tương lai để răn dậy (cảnh cáo), hướng dẫn người dân nên sống làm thế nào để vừa lòng ông trời (hay thượng-đế), không thì sẽ có những biến cố sẽ xẩy đến như lời tiên tri đã phán. Một khi đã thấy sự liên-hệ giữa bói toán và tôn-giáo như thế, tôi cũng có vài cái thắc mắc cũng như nhiều người, điển hình nhất là không lẽ hai người (sinh đôi chẳng hạn) cùng ra đời một ngày, một giờ và có khi cả cùng một phút, một nơi – lớn lên trong cùng một môi-trường xã- hội. Vậy mà tại sao cá tánh và cuộc đời mỗi người lại hoàn toàn khác biệt? hoặc những điều tai ương (sẽ hay đã xẩy ra) là do chính thượng-đế muốn trừng phạt nhân loại hay chỉ là cái hậu quả mà chúng ta tự làm lấy, chuốc khổ lấy chính mình? v,v...

II.

Nếu ai đã từng biết chút ít gì về Tử-Vi, tôi nghĩ chắn chắn họ cũng sẽ thắc mắc rằng - qua cái thiên tai sóng thần ở Thái-Lan (12/2004) cách đây 9 năm, khi hơn 250 ngàn người đã vong mạng, động đất 7.0 ở Haiti (2010), và mới đây qua trận bão Haiyan ở Phi Luật Tân (11/2013) với hơn 5 ngàn người chết - chẳng lẽ cái lá số tử-vi của tất cả những người ấy đều có những chòm sao xấu đồng quy tụ về một điểm để đúng ngày đó, tháng đó tất cả mà mọi người đều bị "gọi tên" đến cùng một nơi, một chỗ?

Cũng có người bảo rằng có lẽ vì dân tộc ấy, những người ấy vì ăn ở tội lỗi, thất nhân thất đức quan bao nhiêu năm, bao nhiêu thập niên cho nên đã cùng gánh chịu một hậu quả.

Nếu cho rằng như thế thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi là thế thì những đứa trẻ thơ đã cùng chung số phận, chẳng lẽ mới ra đời mà chúng nó đã phạm những tội tầy trời để cùng gánh một hậu quả? hay trong số tử vong đó có bao nhiêu là nhà tu, những vị hiền đức trong xã hội, trong làng mạc họ cũng chung sống với đám người mất mạng đó, chẳng lẽ họ đã là nhưng điều gì ghê gớm lắm sao để mà cùng chết thảm như thế?

Hay là bạn cho rằng chắc có lẽ tại kiếp trước mấy đứa nhỏ phạm bao nhiêu tội cho nên kiếp này phải trả sớm như thế?

Câu trả lời có lẽ không gì dễ dàng hơn bằng dùng cái quy luật, hay một cái thí dụ điển hình sau đây, để chứng tỏ rằng đôi khi cái định mệnh của một người hay một số người cũng không thể nào cưỡng lại, hoặc bị lôi kéo bởi cái định mệnh khác lớn hơn, bao trùm và mạnh mẽ hơn như định mệnh của một nước chẳng hạn. Cái thí dụ điển hình nhất là cho dù một tay bơi lội có nhiều giải huy chương vàng của Thế Vận Hội, nhưng khi đã bơi vào cái phạm vi của một con xoáy nước cực mạnh, trước sau gì người ấy cũng bị cuốn hút xuống đáy biển, vì cái lực của con xoáy nước quá mạnh, nó cũng tựa như một người lỡ đến nhầm chỗ đang có cơn sóng thần đánh phủ vào bờ, cho dù người ấy có vô tội hay trong trắng gì đi mấy, họ cũng phải chịu chung một số phận của một làng, hay một nước.

Thế nào cũng có người cho rằng vậy là thượng đế chẳng công bình chút nào, giết chẳng chừa, chẳng tha một ai và đã để những thiên tai kinh khiếp xẩy ra cho con người như động đất, gió lốc, bão tố, núi lửa, sóng thần, hạn hán, bệnh tật, chiến tranh, v,v....

Bạn ơi, nếu chúng ta biết rằng chỉ cần trái đất gần mặt trời thêm khoảng một trăm dậm (chả ăn thua gì so với bao nhiêu tỷ dậm khoảng cách), băng tuyết trên tất cả các đỉnh núi và cả hai vùng Nam & Bắc cực đã ta ra từ lâu, và chắc chắn cỏ cây sẽ chết hết vì sức nóng, rồi sau đó nước biển sẽ bốc hơi và khô cạn. Đó là điều đã chấm dứt mọi sự sống trên trái đất. Hoặc nếu trái đất chỉ cần nghiêng về hướng mặt trời chừng vài độ, vài ly thôi - hay mặt trăng đã gần với trái đất thêm một xíu nữa thôi, thì một nửa trái đất sẽ vô cùng lạnh như hai cực Nam Bắc, mà một nửa sẽ thật là nóng như sa mạc.

Thêm vào đó, vì mặt trăng quá gần và cứ mỗi lần thủy triều lên xuống sẽ tạo con sóng lớn như những cơn sóng thần phá hủy hết tất cả bờ biển hiền hòa, thơ mộng như hiện đang có, và đồng thời dễ đánh chìm những thuyền bè ở ngoài khơi vì những khí hậu quá khốc liệt, tương phản.

Chưa hết, chúng ta biết trái đất này 4/5th là biển, bao phủ bởi nước mà nếu ít hơn nữa thì sẽ không đủ tạo hơi nước làm thành bầu khí quyển - che bớt sức nóng của mặt trời - để bảo vệ nhân loại và tất cả các sinh vật, cỏ cây qua bao nhiêu triệu năm nay. Hoặc nếu nước biển ít mặn đi một chút, thì sự bốc hơi của nước cũng sẽ nhanh hơn, tạo thành bầu khí quyển quá dầy đặc đến nỗi che cả ánh nắng mặt trời, tạo bao nhiêu cản trở khó khăn cho con người và tất cả loài động & thực vật....

Chỉ chừng bấy nhiêu thôi bạn đã thấu hiểu sự sáng tạo tuyệt vời, mầu nhiệm và lòng yêu thương của thượng đế đối với nhân loại và trái đất này, vì ngoài những "thí dụ" không may mắn kể trên, thượng đế còn thiết lập những chu kỳ tuần hoàn để mưa, gió, sông, và sóng biển rửa sạch những bãi biển, đem nước và đất cát - từ chỗ này sang chỗ nọ - để bù đắp, nuôi dưỡng đất đai kém tươi tốt ở những nơi khác bị ô nhiễm, hư hao khô cằn. Động đất cũng như đất phù sa nhờ sông ngòi - ngoài việc mang đất cát phù sa đến từ này sang nơi khác - còn có một tác dụng tương tự để quân bằng trái đất khỏi bị lệch quá một bên.

Con người chỉ hơn trăm năm nay đã tự ý thay đổi lại cái định luật tạo hóa trong thiên nhiên, bằng cách chúng ta xây những cao ốc hơn trăm tầng, làm những con đập thật khổng lồ - như con đập Hoover hay Yangtze River bên Trung Quốc hoàn thành vào năm 2009...đem bao nhiêu tỷ tấn đất, đá và nước di chuyển từ nơi này sang chỗ nọ; thì động đất, đất lở thường xẩy ra là điều tất yếu để thiên nhiên tạo sự quân bình - không thì cả nhân loại sẽ bị diệt vong. Đó là chưa kể biết bao nhiêu lần thử vũ khí nguyên tử dưới lòng đất, đã không ít nhiều làm thay đổi trọng tâm của trái đất; hay những lỗ hổng khổng lồ (cho dù đã được thay thế bằng nước ngọt hay nước biển) bởi những mỏ dầu hỏa nay đã cạn kiệt. Đã thế, chúng ta còn xóa lấp con sông này, bới đào để làm con kinh kia to hơn, lớn hơn để tiện lợi ngay trước mắt mà không chịu chấp nhận những ảnh hưởng của sự thay đổi môi trường sau này.

Tỉ dụ như người hàng xóm bên cạnh đào một cái hố khổng lồ để xây cái hồ bơi sát bên cạnh nhà bạn mà người ta đã không biết xây tường, xây móng để cho căn nhà của bạn bị nghiêng, bị lún. Bạn trách ông trời, đổ tội tại thiên tai hay nên trách người hàng xóm ngu đần hoặc vô trách nhiệm?

Cũng tương tự, nếu con người sống trong quân bình, đừng quá xa đọa, đừng coi thường hay ngu xuẩn để tạo ra, để lan truyền vi khuẩn HIV/Aids. Con người lo sợ về ô nhiễm môi trường nhưng vẫn bán, vẫn hút thuốc lá như không có chuyện gì sẽ xẩy ra; con người than phiền về sức khỏe yếu kém nhưng vẫn tiếp tục ăn những thức ăn tạp nhạp, có hại cho mình... thì cũng đừng than "tại sao tôi phải gánh chịu!" (why me).

Để tóm tắt lại, cho dù cái tử-vi, lá quẻ hay lá số của bạn có nhiều sao tốt, tam hợp, tứ hợp… gì gì đi chăng nữa, nếu không chú ý đến cái thiên ý nói chung và đồng loại xung quanh nói riêng - như người ta đã từng nói "đức nhân thắng số", tử-vi của bạn có tốt hay xấu cũng chỉ là một ẩn số trong một bài toán quy mô, vĩ đại và nhiều phức tạp hơn (như người Mỹ có câu "it's depends on the context"). Thí dụ vui hơn nữa là nếu đại khái lá số tử-vi cho rằng tương lai bạn sẽ "đè đầu, đè cổ" thiên hạ - biết đâu không chừng bạn sẽ hành nghề hớt tóc - lúc đó tha hồ có dịp để mà đè đầu, đè cổ thiên hạ....:)))) Bởi thế nhiều khi, vì thiên cơ bất khả lậu, hay vì một lý do thầm kín nào đó, người chấm cái lá số tử-vi của bạn cũng sẽ chỉ nói phần nào của sự thật, hay đã nói một cách thật ẩn ý, họ để tùy cơ duyên của bạn mà hiểu cái chân lý cái định mệnh của mình; thêm vào đó - biết đâu người chấm lá số của bạn làm sai (chệch một ly đi một dậm), hay đoán lầm? thành thử - tốt hơn hết là ta nên chiêm nghiệm, suy ngẫm thế nào là ý trời - dùng nó như sao bắc Đẩu - để dẫn dắt chúng ta đi trong cuộc đời này vẫn là thượng sách.

Hồi còn là sinh viên ở ĐH Vạn Hạnh, tánh tò mò nên tôi ghi danh học một khóa nghiên cứu môn Tử-Vi, bởi vì trước đó trong khoảng thời gian tôi lang thang đó đây, chứng kiến những nỗi khổ đau của nhiều người và tôi đã từng thắc mắc là nếu Thượng-Đế luôn luôn bao dung và công bằng, tại sao lại để xẩy ra bao nhiêu là bất công trong xã hội, trong cuộc đời. Chả nói gì đâu xa, chỉ cần gã Bill Gates hắt xì, xổ mũi vài cái là cái chứng khoán (MSFT) có thể tụt giá mất đi vài chục hay vài trăm triệu đô-la, trong khi bao nhiêu tỉ người trên thế giới làm lụng cả đời cũng chưa chắc thấm vào đâu. Quả là một sự "bất công" không bút mực nào tả cho hết.

Đừng nói là tôi nên bỏ thì giờ đọc Kinh Thánh để hiểu rõ ý Chúa hơn là nghiền ngẫm cái gọi là bói toán, mê tín đó, vì thưa bạn - tôi đã đọc cuốn Kinh Thánh từ đầu đến cuối không biết bao nhiêu lần, mà dĩ nhiên - tuy mỗi lần đọc là tôi lại được thêm sự hiểu biết, nhưng nó đã không hoàn toàn giải thích, thỏa mãn sự tò mò muốn biết của tôi - nhất là cái ý nghĩa cuộc sống và sự bất công của con người trên cõi đời "ô trọc" này.

Nói chung, tất cả những gì hiện hữu - kể cả những hiện tượng hay sự kiện - trong vũ trụ này đều phải theo một định luật hay một công lý luôn luôn bất diệt, mà trong đó cái gọi là "chu kỳ" hay "tuần hoàn" là một trong những định luật bất di bất dịch của Thượng Đế đặt ra cho vũ trụ và cho loài người. Chẳng hạn như mặt trời mọc hướng đông, lặn hướng tây; ai sanh ra rồi cũng phải chểt, sau mùa Xuân rồi sẽ tới mùa Hạ, v.v...

Môn Tử-Vi cũng chẳng thoát qua khỏi những định luật ấy, nghĩa là cứ mỗi 3 năm thì sẽ có một năm ta gọi là "xui" hay chính xác hơn là "thay đổi - hên thành xui hay ngược lại - (chẳng hạn như sau 3 mùa: xuân, hạ, thu rồi sẽ là mùa đông - khi nhiều thứ bị thoái hóa, tiêu hủy để nuôi dưỡng những thứ khác). Rồi theo cái "quy luật" "Tứ Hành Xung", bạn sẽ thấy cái chu kỳ của nó như thế này:

Tí - Sửu rồi đến tuổi Dần
Mẹo - Thìn rồi đến tuổi Tỵ
Ngọ - Mùi rồi đến tuổi Thân
Dậu - Tuất rồi đến tuổi Hợi

Theo định luật thiên nhiên, có phải là nó cùng có một chu kỳ hay định luật giống như của bốn mùa trong một năm hay chăng? Về mặt tâm linh cũng thế thôi, trong Tử-Vi cứ sau 2 con giáp (hay cứ mỗi 2 năm thì năm thứ ba ) phải là năm để chúng ta "nghỉ ngơi" hay nói đúng hơn bỏ đi bớt những gì không cần thiết, như làm việc từ thiện chẳng hạn, đó là một cách trả lại cho đời sau khi mình đã gặt hái, đã được hưởng trong 2 năm trước. Không biết "trả lại" thì trước sau gì cũng phải bị lấy lại. Cũng chính vì điều này mà người xưa thường hay có những câu "chẳng ai giầu ba họ, chẳng ai khó ba đời", hay "của đi thay người", v.v...như là một lời nhắn nhủ cho con người, rằng đừng tưởng cứ tích lũy mãi mà không bao giờ mất hoặc hết, mà cái định luật "Vay Mượn" cũng sẽ được áp dụng là "món nợ để càng lâu thì về sau càng phải trả nhiều lời " có thế thôi.

Có người từng thắc mắc đã hỏi tôi lý do gì hai chị em (hay hai anh em ) sinh đôi cùng ngày tháng mà sao cuộc đời (Tử-Vi) lại hoàn toàn khác biệt thì tôi trả lời là tuy hai giọt nước lấy ra cùng một ly nước, với con mắt trần thì ai mà chả thấy nó tuy hai là một, nhưng nếu chúng ta để chúng dưới kính hiển-vi thì có lẽ ta sẽ thấy mỗi giọt chứa những vi-khuẩn hay nhưng siêu tế bào nhỏ nhiều ít khác nhau. Đó là chưa kể chúng ta không tài nào biết được chính xác cái trứng của đứa bé nào thụ thai trước hay sau và cách nhau bao lâu, vì ta chỉ biết tính ngày chúng nó ra đời mà thôi.

Đại khái là sau khi nghiền ngẫm về Tử-Vi, tôi phải công nhận là nó chỉ giải thích phần nào, cho thấy cái gọi là "bất công" trong cuộc đời này là do nhân loại và chính chúng ta tạo ra để trải qua, và theo và cuốn Kinh Thánh của Ấn Độ giáo (Bhagavad-gita), chúng ta từ đó thăng hoa và linh hồn mãi mãi sẽ trở về với thượng đế với một sự am hiểu về tình thương bao la của ngài Gần đây với những thiên tai như cơn sóng thần ở Thái Lan tháng 12 năm 2004 đã lấy đi hơn 250 ngàn sinh mạng; động đất 7.0 ở Haiti năm 2010 làm thiệt mạng hơn 225,000 người, và mới đây nhất cơn bão Haiyan ngày 14/11/2013 đã mang đi hơn 5 ngàn mạng người. Tôi nghĩ chắc thế nào cũng nhiều người sẽ thắc mắc rằng: chẳng lẽ tất cả lá số Tử-Vi của những người đó đều tiên đoán chính xác rằng họ sẽ qua đời vào ngày đó, tháng đó? Cũng có người sẽ hồ đồ bảo rằng tại những người xấu số đã phạm lỗi hay làm tội ác gì đó cho nên kiếp này phải trả, hay than trách rằng tại sao ông trời lại nhẫn tâm để những thiên tai như thế xẩy ra, v.v... Nếu thế thì biết bao nhiêu những đứa bé ngây thơ vô tội, hay những vị chân tu cả đời hy sinh tu hành, lo cho tha nhân (mà có lẽ lá số tử-vi của họ đều không cùng ngày chết) đã cùng phải bỏ mạng trong cái ngày oan nghiệt đó?

Tử-Vi hay không tử-vi, lá số có tốt hoặc là xấu, tất cả còn phải lệ thuộc vào một cái quy luật nữa, nó bao trùm lên cả cái số mệnh của một người và có khi cả một xóm, một nước. Câu chuyện chiếc tầu Titanic trước khi bị chìm xuống cũng thế, những người đã nhẩy xuống biển hoặc được leo lên chiếc thuyền cấp cứu, ai cũng phải vội vã bơi xa ra khỏi phạm vi của con tầu, để khi nó chìm xuống và tạo thành một lốc xoáy, họ không bị cuốn hút vào cái lực rất mạnh sẽ gây ra, lôi kéo họ xuống lòng biển sâu.

Nghĩ lại cái sự kiện ngày 30-4-1975, tôi không biết nếu tất cả người dân Việt đều có một lá số Tử-Vi, chắc chắn không ai sẽ biết rằng đúng vào ngày đó, năm đó - biết bao nhiêu triệu người mà cuộc đời bỗng đảo lộn - và vẫn còn bị đảo lộn cho biết đến khi nào chả ai rõ. Có lẽ đây là một điều "Thiên cơ bất khả lậu" của ngành Tử-Vi?

Tôi cũng xin nêu thêm vài sự kiện sau đây để cho mọi người nghiền ngẫm trong giây phút.

Nếu chúng ta cứ tiếp tục sống bừa bãi, sống cho hôm nay mặc ngày mai ra sao thì cho dù Tử-Vi của một người hay của một quốc gia, làm sao có thể biết được một cách chính xác rằng ngày này, tháng nọ tháng và năm đó sẽ có những ai rồi bao nhiêu sinh mạng sẽ cùng chịu chung một số phận như nhau?

Chúng ta cũng biết rằng thượng đế đã làm cho các con sông và giòng nước biển tuần hoàn chẩy vòng quanh quả đất - để làm gì? thưa để đem đất mới, phù sa với chất dinh dưỡng - từ chỗ này đến chỗ bị khô cằn, để quân bình trái đất, những nơi đất bị soi mòn hay bị đào sới đem di chuyển đi chỗ khác bởi con người. Nói tóm tắt, thượng đế đã tạo trái đất như một bộ máy thật hoàn hảo, tuần hoàn và tự động điều chỉnh để nuôi dưỡng và bảo về nhân loại và muôn loài.

Tôi trước đây hay dùng Tử-Vi cũng như những lời cầu nguyện để muốn biết ý thượng đế muốn tôi phải làm gì cho những ngày còn lại trên thế gian này, mà thật tình nếu chịu khó tĩnh tâm và quan sát cùng để ý, tôi thấy ý của thượng đế biểu hiện khắp nơi, có điều là tôi vô tình hay vô ý không biết đến mà thôi. Xin viện dẫn một thí dụ rất đơn giản - là nếu đang ở Sàigòn và muốn đi thăm khu 36 phố phường ở Hà Nội, tôi lái xe đi mà thấy bảng chỉ dẫn bên đường đề là " Chào Bạn Ghé Đến Long An", rồi " Chào Bạn Ghé Đến Cần Thơ"... thì rõ ràng là tôi đang đi lầm đường phải vậy không? Cuộc đời chúng ta cũng thế, ai mà chả muốn khỏe mạnh và hạnh phúc mãi mãi? Ai mà chả muốn thành công trong sự nghiệp và ngày càng đông thêm bạn bè? nhưng nếu thấy bạn bè ngày càng xa lánh, hay sự nghiệp ngày càng lụn bại, sức khỏe ngày càng tệ (nhưng không vì tuổi già),v.v... đó là những tín hiệu, "bảng chỉ dẫn" tự nhiên muốn cho chúng ta biết nên dừng bước đôi lúc đễ suy ngẫm và thay đổi lối sống hay hướng đi của mình, còn không thì rõ ràng chúng ta vẫn đang đi lầm đường, không biết ý trời có thế thôi.

III.

Trong những ngày còn ở Đà-Lạt, tôi từng đi hỏi thầy Chiêm - cũng như xuống TùngNghĩa - ghé thăm nơi có cái tên ngộ nghĩnh là đền "Cậu Búa", cũng chỉ vì bản tánh tò mò muốn biết về cái tương lai, hậu vận của mình như thế nào. Cùng đi với tôi ngày hôm đó là hai anh chàng Công Giáo tu xuất, chắc có lẽ muốn biết ý Chúa cũng không chừng:) Thật ra, ban đầu đó chẳng phải là một cái đền mà chỉ là một cái am xây cạnh bên một con suối lớn, người dân ở đó kể lại là ngày xưa có một đứa bé bị chết đuối ngay tại con suối này, rồi bao nhiêu chuyện hiển linh có liên quan đến chuyện đứa bé đã báo mộng, hay giúp đỡ những đứa trẻ khác khỏi bị chết đuối. Người trong xóm, trong làng ban đầu lập một cái am nho nhỏ trước để tạ ơn, sau là để cầu xin cho họ biết những gì may rủi trong đời, sau này dần dà được mở lớn ra thành một cái đền, rồi có người đến trú ngụ để chăm sóc, quét dọn và cũng là người "trung gian" - nghĩa là một cô ngồi đồng, liên lạc giữa người sống và "Cậu Búa".. Lúc chúng tôi đến đền, thì bên trong vắng lặng chẳng bóng ai. Bà hàng xóm thấy khách lạ đến loay hoay đứng chờ nên bèn bảo:

- Bà ấy đi chợ rồi, mấy cậu cứ vào bên trong gõ vài tiếng chuông thì bả sẽ sớm trở về.

Anh bạn của tôi thử nghe lời vào gõ lên cái chuông nhỏ trên bàn thờ rồi ra ngoài tiếp tục cùng chúng tôi chờ đợi. Quả nhiên chỉ không đầy nửa tiếng đồng hồ sau, thấy một người đàn bà tất tả bước xuống chiếc xe thồ có lẽ đi quá giang về, tay còn xách giỏ đồ chợ. Thấy chúng tôi, bà ấy vừa bước vào sân vừa thở hỗn hễn:

- Đang trong chợ tui thấy nóng ruột quá sức, biết ngay có người chờ ở nhà gọi tui dìa.

Mấy cậu rửa tay, ngồi uống chút trà đợi tui thay áo chút nghen.

Chuyện gõ vài tiếng chuông và đã không vang xa khỏi phòng, thế mà cũng có thể liên lạc được một người ở từ phương xa. Xưa tôi đã từng đọc sách và nghe kể về những chuyện thần giao cách cảm như thế này cho nên tôi cũng không lấy gì làm lạ, định bụng có dịp rồi mình sẽ tìm hiểu tại sao lại có những hiện tượng này và làm sao mình cũng có thể làm được điều này để chứng minh là nó có thật (kể ra cũng chả gì khó, cứ nghĩ đến cách thức mà radio AM/FM phát sóng thì sẽ rõ). Bởi thế, khi xem phim Star Wars lúc Dark Vader cho tiêu hủy một hành tinh có nhóm người kháng chiến, Obi-Wan đang từ ở một hành tinh khác bỗng cảm nhận được thấy điều kinh hoàng ấy, đó cũng là một điều chứng minh rằng Tây phương cũng đã am hiểu chuyện tâm linh huyền bí này chứ chẳng riêng gì về người ở Châu Á.

Hôm ấy trên đường về lại Đà-Lạt, ba đứa chúng tôi kể lại chuyện vừa mới xẩy ra. Điều ngạc nhiên là "Cậu Búa" - qua lời của người ngồi đồng đã nhắn lại, bảo là vì vía của tôi nặng cho nên tôi không được phép vào ngồi cùng phòng để hỏi và nói chuyện với "cậu", nhưng "cậu" đã trả lời cho những câu hỏi tôi muốn biết khi nhờ người bạn của tôi hỏi dùm. Cái hiện tượng "nặng vía" này cũng không gì lạ, sau này tôi sẽ kể thêm.

Đại khái những gì tôi hỏi về tương lai - của tôi và của thằng em kế - đều diễn ra như lời "cậu" nói. Có một điều khiến tôi phải suy ngẫm, không hiểu vì sao "cậu" lại bảo sau này tôi sẽ chu du khắp thế giới - trong lúc mình sau này chỉ đậu Tú Tài một cách tòng teng, chưa chắc gì bố mẹ muốn chạy chọt để cho tôi được du học. Thế mà chỉ không đầy một năm sau, tôi cũng đã ra đi khỏi nước.

Trong cái lá số Tử-Vi cũng nói số tôi sẽ được đi và lập nghiệp ở ngoại quốc, tuy không nói rõ nhất định là năm nào, nhưng ít ra cũng phản ảnh những gì đã xẩy ra cho dân Việt nói chung trong năm 75 - nghĩa là có khi vận mệnh của một khối lớn hơn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn thì những gì tiên đoán cho một cá nhân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Không nói chi đâu xa, cái quyết định "mới" đây về đạo luật Obamacare sẽ liên đới trực tiếp không những chỉ với một vài cá nhân, hay chỉ trong vòng phạm vi của Y Tế, nhưng ảnh hưởng lẫn với tương lai và vận mệnh của cả nước Mỹ trong những năm sắp tới nếu cái đà hiểu biết hiện nay trong xã hội vẫn còn tiếp tục.

Với những điều tôi vừa đưa ra ở trên, số mệnh (tử-vi ) của một cá nhân thường luôn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, nhưng cái gọi là "đức nhân thắng số" vẫn có tầm quan trọng hơn hết. Theo quan niệm của Á Đông, người ta thường nói câu "phước đức ông bà, cha mẹ để lại...", rồi thêm vào đó là câu "trời thương", hay "lộc trời ban".

Tử-Vi được coi gần như là một môn khoa-học và có lẽ để dễ dẫn dụ hơn bằng cách viết nó thành một phương trình toán học thật đơn giản cho dễ hiểu.

1a + 2(b) + 3(c)+ 4(d) =???? (tương lai)

Theo cái phương trình ở trên, tôi giả dụ rằng 1(a) là cái ẩn số dành cho (phước đức) Thượng Đế, nếu con người cho rằng Thượng Đế rất công bằng, ai cũng như ai, thì có lẽ chúng ta chả cần phải dính dáng, cộng thêm nó vào chi cho mệt óc, phiền toái. Bởi thế cái công thức sẽ (loại bỏ phần gọi là "1a") - được rút ngắn lại như sau:

2(b) + 3(c)+ 4(d) =???? (tương lai)

Nào, nếu cứ tạm cho rằng vận mệnh của một người quan trọng nhất là do bởi những nghiệp quả, hành động của chính con người, với cái lập luận này, tôi dùng cái '4(d)' là một ẩn số dành cho người lấy lá số tử-vi; sau đó '3(c)' sẽ là "phước đức của cha mẹ", rồi '2(b)' sẽ là "phúc lành của ông bà". Theo cái công thức này, ít nhiều gì chúng ta cũng có thể đoán được phần nào cái định mệnh, tương lai của mình trong đấy, mà nó lại hoàn toàn thuộc về trách nhiệm và lối sống của mỗi cá nhân, vì cái ẩn số cuối cùng (4d) mang một hệ-số nặng nhất (còn nhớ thời 73-74 môn toán ban-A hệ số mấy không ?:) Nếu "d" là một số dương (positive - nghĩa là có một cuộc sống đạo đức, đầy phẩm hạnh) thì cho dù những ẩn số khác (b,c) có kém cỏi đi chăng nữa, ít ra ta cũng không bị "xui" đến nỗi nếu "d" lại là một con số âm (negative).

Lá số Tử-Vi cũng đã được xếp đặt, dựa theo cái mô hình toán học kể trên, khi mỗi con giáp, mỗi can, mỗi sao... tất cả cũng chỉ là một ẩn số trong một bài toán khá hóc búa để giải, để bàn luận cho chính xác, nếu không phải nhờ đến một "cao thủ võ lâm" trong ngành Tử-Vi với nhiều quá trình nghiên cứu và kinh nghiệm thực hành.

Vậy thì nếu bạn hên, có được một thầy Tử-Vi đại tài nói nhiều điều trúng ngay phóc, bạn có nên tin tưởng vào đó hoàn toàn để rồi mắc vào cái lỗi lầm của câu chuyện "Con Chó Đá" (chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng) dùng để răn đời, hay chỉ dùng đó như là cái La-Bàn, xem mình đã và đang đi đúng hướng (mà phải là hướng nào) để điều chỉnh lại cho đúng, cho ngay thẳng?

Nếu như theo cái lá số Tử-Vi của tôi, thì càng về già số tôi lại càng khỏe re và sẽ thọ trên 80 để trả thù Nha Thuế Vụ (IRS) đã "hành" và moi rút túi tiền của tôi mấy chục năm. Đùa chơi thôi, chứ họ không giữ lại tiền hưu trí - gọi là thuế an sinh xã-hội - thì mình cũng phải làm chứ ai đâu nữa làm cho mình hưởng?

Cũng với chuyện lá số Tử-Vi, tôi vẫn thỉnh thoảng chợt nhớ, nhìn lại để định giá xem có phải đã được xẩy ra như lời tiên đoán hay đã và đang đi trật đường rầy? nếu đúng thì nhờ đâu nó đúng, hoặc nếu sai lệch đi thì tôi phải tự suy xét mình đã làm sai quấy bắt đầu từ đâu, và từ sự việc nào. Đó cũng là một cách để thử ý trời, ý của thượng đế.

Tôi xin lấy thí dụ nữa như sau: nếu tôi muốn nuôi một cây cảnh nào đó - như hoa Lan chẳng hạn - ban đầu tôi sẽ đọc sách, báo hay nghe lời khuyên của bạn bè, của những người đi trước bầy cách để chọn lựa hoa rồi cách trồng tỉa, chăm bón. Theo như câu châm ngôn "Phước chủ may thầy", nếu mới ra quân mà tôi lại được người đi trước có nhiều kinh nghiệm, chỉ bảo cặn kẽ - coi đó như là "phước ông bà cha mẹ" để lại; kế đó là nếu tôi biết nghe lời người tiền bối thì chẳng nói chi, vì cứ thế mà làm. Nhưng nếu tôi muốn thử một loại phân bón mới mà ít hôm sau thấy lá trở vàng, thiếu sinh khí, chắn chắn tôi phải ngưng ngay, không thì chậu hoa Lan của tôi sẽ chết tiệt! Còn nếu thấy nó càng ngày càng tươi tốt, thì có phải là "đường ta, ta cứ đi" hay chăng? Bạn có bao giờ tĩnh tâm và suy nghĩ để biết những khổ tâm, nỗi lo âu của mình từ đâu đến không?

Điều này Tử-Vi chẳng bao giờ - hay ít khi đề cập một cách thật tỉ mỉ, rõ rệt, chỉ úp mở để tùy vào cơ duyên của từng người, nhưng tôi dám bảo đảm với bạn là trong bất cứ một lá số nào, đâu đó cũng đã "bỏ nhỏ" vài câu nhắc nhở chúng ta cẩn thận, nên để ý đến.

IV.

Sau hơn ba thập niên không đụng tới hai quyển Kinh Dịch và Tử-Vi, tôi không nghĩ rằng mình đã thiếu sót những gì trọng đại trong đời, mà đôi khi có những cái không nên hoặc không cần biết đến vẫn hay hơn. Ngoài ra, tôi vẫn thường nói với các em và cả con của mình rằng, nên luôn có cái nhìn xa hơn là những sự kiện đã và đang xẩy ra; chẳng hạn như đừng quá thiển cận nghĩ rằng cái lá số tử-vi của mình ngày càng đúng thì chắc những gì tiên đoán về sau này sẽ hoàn toàn sẽ đúng như thế, hoặc thực tế hơn chẳng hạn như là chuyện về cái gọi là Obamacare - mà người ta đã từng hô hào, tuyên truyền là để giúp người nghèo, bảo vệ tài sản của những người mang bệnh hiểm nghèo, v.v...Thoạt tiên ai cũng thấy đó quả là một đạo luật rất là nhân đạo, nhưng nếu nghĩ xa hơn chút nữa - từ ngày lập quốc đến giờ đã hơn 300 năm, nước Mỹ chưa hề có một thứ đạo-luật "nhân đạo" này; nếu một nước thật "vô nhân đạo" như thế, đáng lẽ đã phải bị trừng phạt, hay gặp nhiều tai ương, khốn khổ từ lâu, đâu thể nào cứ mãi hầu như gặp nhiều thịnh vượng, tiến bộ và làm bá chủ thế giới? Chẳng lẽ thượng đế hay ông trời không có mắt? hay câu "ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ" đã không đúng?

Người Việt chúng ta đã một lần nghe theo và tin vào cái chủ-thuyết đầy sự "công bình và nhân đạo" mà vì không có cái nhìn từ xa, hay có thể cái lá số tử-vi của nước Việt đã được định như thế? Mà làm thế nào để chấm Tử-Vi, để biết định mệnh của một nước - hay nói đúng hơn là cho một dân tộc? Có phải lá số tử-vi của mỗi người dân gom lại sẽ là số mệnh của một quốc gia? Theo lời sách Kinh Thánh đã nói khi dân Do Thái thay vì chỉ biết tôn thờ vào thượng đế, họ muốn lập lên một vị vua để cai trị họ (do đó có lẽ thành câu "Ý dân là Ý trời"), rốt cục sau này dân Do Thái đã phải lưu vong tứ xứ hơn ngàn năm. Tử-Vi của mình có tốt đến đâu cũng phải chịu ảnh hưởng, lệ thuộc vào số mệnh của đám đông, bởi thế cho nên nếu muốn nghiên cứu về tử-vi, hay muốn chấm lá số cho mình hoặc cho người - phải biết cộng thêm vào cái nhìn tổng quát, xa hơn là những cái trong sách vở, tin tức báo chí hay người khác đã nói, và phải luôn luôn biết tìm những góc cạnh khác để kiểm chứng những cái kết quả, thành quả mà mình mới gom góp, mới đạt được.

Ngày xưa đời vua Bao-Hy cai trị thiên-hạ đã (dùng bát quái) xem khí, tượng ở trên trời . Cúi xuống nhìn mầu sắc của đất, của chim muông, động vật – gần thì nhìn ở thân mình, xa thì lấy mọi vật làm tang chứng để biết ý trời. Mưa nhiều gây lụt lội là điềm báo là vua (nhà cầm quyền) cuồng loạn, nắng nhiều đến hạn hán là vua có nhiều việc bất phi pháp; lười biếng thì nhiệt độ & thời tiết nóng nhiều, còn tư tưởng mờ ám thì nhiều gió, hành động gấp rút, vội vã thì lạnh, thường bão tuyết, v,v… Trước đây con người phải trải qua trăm năm hay lâu hơn mới xẩy ra những vụ thiên tai như động đất, cuồng phong, sóng thần, bão tố… để hủy diệt cả vạn người. Bây giờ thì hầu như không tới một thập niên đã xẩy ra 6 biến cố lớn nhất lịch sử nhân loại: sóng thần bên Thái Lan (2004), bão Katrina (2005), động đất 7.0 ở Haiti (2010); động đất & sóng thần bên Nhật (2011), Bão Sandy (2012), và mới đây bên Phi Luật Tân (2013) - mà năm 2013 vẫn chưa chấm dứt. Bạn nghĩ sao về những chuyện mới vừa xẩy ra đã có hoặc sẽ có liên quan gì đến bạn, đến cái lá số Tử-Vi của bạn?

Riêng tôi, nếu cái lá số tử-vi của mình toàn gặp chuyện may - đó cũng chưa hẳn là đúng, mà còn phải đợi đến giây phút cuối đời mới biết. Còn nếu như lá số của mình toàn chuyện xui, hoặc có khi bị đoán trật lất mà làm sao để kiểm chứng? không kiểm chứng để biết có phải mình số con rệp, bạn sẽ chán đời không thiết sống ư? Trên cõi đời này cái gì cũng như con dao hai lưỡi, biết dùng thì tốt cho mình, không biết dùng thì sẽ thiệt vào thân. Tử-Vi cũng chẳng thoát khỏi cái quy luật, định luật này - thành thử câu hỏi kế tiếp sẽ là: Thế thì mình nên tin vào đâu và vào ai? Bạn nghĩ xem, trên cõi đời và trong vũ trụ này, điều gì đã và mãi mãi sẽ không bao giờ thay đổi hoặc biến mất? Câu hỏi cũng là câu trả lời đấy các bạn.

HẾT SVT 11/2013


Về đầu trang


TRÊN CON ĐƯỜNG DI TẢN

Trần Văn Sanh

Thỉnh thoảng, cứ vào khoảng cuối tháng ba, tôi lại bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian mình nóng ruột chờ đợi ngày Thúy-Hoa trở lại Sàigòn và những chuyện buồn di tản. Vì trong những ngày đó, sau khi nghe tin Huế đã thất thủ, Đà Nẵng cũng bỏ ngỏ,tôi khuyên Thúy-Hoa - lúc đó còn đang học ở Sàigòn - nên về lại Đà Lạt và đem gia đình xuống vì không biết thế cuộc sẽ ngã ngũ ra sao, mặc dù tôi cũng lờ mờ đã đoán được cái đoạn kết. Thúy-Hoa đã lấy chuyến bay, không ngờ lại là chuyến cuối cùng đáp xuống phi trường Liên-Khương, và còn may mắn hơn là có người cho Thúy-Hoa quá giang về thành phố.

Trong lúc ĐL nhà cửa đóng kín mít và đi giữa cảnh hỗn loạn vì nghe nói có nhóm tù vượt ngục và nhiều người vôi vã bỏ thành phố đi tản cư. Thúy-Hoa phải mất cả đêm mới thuyết phục ba của mình bằng lòng chở gia đinh xuống Sàigòn ngày hôm sau. Con đường SG-ĐL bình thường chỉ mất 6-7 tiếng, hay nhanh hơn một chút ngồi trên chiếc xe 8-9 chỗ ngồi của hãng MinhTrung, thì hơn 5 tiếng đã đến Sàigòn nhưng trong chuyến đi lịch sử và nhớ đời đó, ba của ThúyHoa mất gần một tuần lễ - sau khi phải dừng lại dọc đường, ngủ trong rừng và xuống tận Bình- Tuy để đem được xe lên con tầu chỉ to hơn chiếc xe Peugeot 403 có chút xíu chở cả 7 người, và sau cả một ngày đêm lênh đênh trên biển cả rồi mới cập bến Vũng Tầu, và từ đó về đến SG.

Thúy-Hoa kể lại rằng dọc đường, thấy người ta có thể giết chết lẫn nhau chỉ vì củ cà rốt hay một gói mì khô. Câu chuyện tương tự đuợc kể lại bởi một người bạn từng là Sĩ Quan Võ Bị ĐL, và câu chuyện hắn kể cũng không kém nhiều nỗi thương tâm.

Trong toán quân của trường Võ Bị theo bảo vệ đoàn người di tản, hắn là sinh-viên võ-bị với trọng trách bảo vệ, bọc hậu cho đám xe & đoàn người cuối cùng, Hắn đã tình cờ gặp một người con gái - tuổi khoảng 16, 17 – đang bồng bế, tay dắt theo đưá em nhỏ, nhìn dáng người con gái vai gầy đeo túi sắc dẫn hai đưá em mọn mà có lẽ mẹ của các em đã bỏ mạng đâu đó trên con đường đèo đầy kinh hoàng.

Cho đến tảng sáng ngày hôm sau, khi bắt kịp toán Võ Bị đi tiền phương ngoài bìa rừng trong tấm hình trên, hắn bất chợt gặp laị người con gái đó – không biết em nàng đã được ai đó mang theo đi – nhưng thi thể người con gái đó đã nằm lại trần truồng, vất vưởng bên cạnh quốc lộ.

Sau khi nghe kể câu chuyện đau buồn và oan khiên này, tôi đã viết lên một bài thơ để ghi lại cái cảm xúc trong tâm hồn mình lúc đó:

Trên con đường di tản
ta tình cờ gặp em
em theo đoàn di tản
mắt nhung buồn không tên
Trên con đường di tản
tay gầy bế em thơ
em theo đoàn di tản
xác mẹ nằm bụi bờ
Trên con đường di tản
vai gầy gánh tang thương
em theo đoàn di tản
máu xương thấm bụi đường
Ngóng nhìn dáng em đi
thân vai gầy tiều tuỵ
ôi đất trời chia ly
ta thấy đời trần luỵ
Em theo đoàn di tản
có nhìn thấy tương-lai
mây giăng mù phiêu lãng
bom đạn sao rơi hoài
em theo đoàn di tản
ta thấy đời âm u
nẻo đường rồi muôn vạn
nhớ em nhớ thiên-thu
Trên con đường di tản
ta chợt thấy xác em
Hỡi ai người di tản
Ta yêu người chưa quen.

SVT-1976

Vâng, mới đó mà đã gần 38 năm rồi, nhanh thật! Hơn ba năm trước ghé về thăm lại LongKhánh và cánh rừng cao-su này, nghe dân trong làng kể ngày đó có những hố bom của B-52 để lại, sâu đến nỗi có một con voi rớt xuống mà leo lên không nổi khiến người dân phải dùng đến chiếc xe lô để giúp kéo nó lên, và mùa mưa trẻ em đã có vài đứa chết đuối vì bơi lội trong cái hồ do chiến tranh đã để lại.

Cánh rừng xưa loang lỗ vì bom đạn nay phần lớn đã lành lặn, vun lớn mạnh, nhưng có lẽ trong tâm hồn của vài gia đình có lẽ cũng vẫn còn ngậm ngùi nhớ lại cái biến cố đổi đời của ngày ấy.

Hy vọng thời gian sẽ dần xóa nhòa những vết thương trong tâm khảm của những thân nhân, gia đình họ.


Về đầu trang


Trường Xưa Lối Cũ

Trần Văn Sanh

Hơn hai tuần trước, đi la cà, ăn uống và nói chuyện với Khiếu-Thắng và Minh-Trang ở Seattle, tôi mới khám phá thêm một điều lý thú, chứng minh quả đất tròn (và nhỏ xíu); đó là tôi không ngờ Minh-Trang cũng đã từng theo học trường Trung-Học Nguyễn Bá Tòng ở đường Bùi Thị Xuân, quận II Sàigòn. Ai từng học trường này đều biết danh thầy LM Giám-Thị Phạm Minh Công, nổi tiếng là nghiêm khắc, nếu không nói là dữ dằn, mà chính vì vậy lũ quỷ sứ học trò từng đặt cho một cái tên độc địa là "Công ngủ" !

Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

Tôi vào trường NBT bắt đầu vào năm đệ Thất và mài đũng quần ở đó cho đến hết năm đệ Tam; và sau 2 năm biết ăn chơi, nhẩy đầm rồi đâm nhàm chán, muốn né tránh đám bạn con nhà giầu thường hay rủ rê; trong mùa hè cuối năm đệ Tam, tôi tự động nói với bố đi kiếm trường nội trú để mình vào đó tu tỉnh, chuẩn bị thi Tú Tài I cho năm sau. Tôi còn nhớ rõ là mùa hè không biết việc gì làm, ngoài chuyện ăn chơi nhẩy nhót, tôi và một thằng bạn rủ nhau lái xe chạy lên thăm dưỡng trí viện Biên Hòa, một trung tâm dành cho những người có bệnh tâm thần, nôm na và rõ ràng hơn đó là "nhà thương điên", không hơn không kém.

Đến nơi, chưa kịp chọc ghẹo, hỏi thăm một người điên đang lang thang, đi qua đi lại trong một sân rộng lớn ở ngoài trời, bao quanh bởi một hàng rào xong sắt, với khe hở chỉ đủ cho một cánh tay thò ra. Tôi không nhỡ rõ chính xác, nguyên văn câu nói của người đàn ông điên này như thế nào, những tôi chẳng bao giờ có thể quên rằng đại khái, hắn hỏi hai đứa tôi đang bị nhốt ở trong chuồng sắt trong ấy có vui không? Tôi và thằng bạn lăn ra cười, trên con đường về hai đứa nhắc lại vẫn còn thấy tức cười, nghĩ bụng:" Rõ ràng là một tên khùng !"

Trong cái email "Thử Óc Quan Sát" có hình một tam giác, bên trong có những tam giác khác tôi gửi hôm nọ. Tôi không biết mình đã tập cho có những cái nhìn về một "tam giác" từ hồi nào, nhưng tôi nhớ rõ là sau trận cười đem về từ Biên Hòa hôm đó, đêm về tôi nằm thắc mắc tự hỏi rằng "tại sao tên điên đó lại cho rằng tôi và thằng bạn bị nhốt trong chuồng sắt, trong khi hắn mới là kẻ bị nhốt?" Chập sau tôi hiểu ra rằng, cũng qua cái song sắt, hắn nghĩ tôi và thằng bạn mới là người bị nhốt , nhưng trong một cái cũi lớn hơn! Một cái chuồng, hai góc nhìn khác nhau.

Năm lớp đệ Tam ở trường NBT có lẽ là năm đẹp nhất trong đời của tôi trong thời còn ở bậc Trung Học, nhưng đối với tôi cũng là năm chấm dứt cái ngây ngô của tuổi học trò, vì sau cái mùa hè đó, tôi bỗng dưng trở thành một triết gia "hỉ mũi chưa sạch", không còn thích chơi với những đứa bạn đồng tuổi, mà đa số chỉ có lớn và già hơn theo tháng năm, nhưng sự hiểu biết chỉ quanh quẩn mái trường, sách vở học hành, và hẹn hò, tán gái.

Đó cũng là năm lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đã dùng chữ "Cút!", mắng một hoa khôi của trường NBT thời bấy giờ, chỉ vì cô nàng ỷ mình đẹp, hôm thì vui vẻ trò chuyện, thích tôi tán tỉnh; hôm sau cô nàng lại trở mặt, lạnh lùng - tuy thấy - nhưng coi như tôi không hề hiện diện khi tôi dơ tay vẫy, gọi vào quán cà phê cạnh trường như thường lễ mỗi sáng cả bọn hay tụ tập trước khi cổng trường mở. Hôm sau, cũng chỗ cũ tôi đang ngồi trò chuyện tầm phào, tán dóc với dăm, ba thằng bạn; cô nàng thấy tôi bèn xà vào, định kéo ghế ngồi như mọi hôm - trừ cái ngày mới hôm trước. Tôi chỉ thẳng vào mặt, đuổi cô nàng đi chỗ khác chơi, vì tôi không thích loại con gái hôm "lạnh" hôm "nóng" như thế. Lũ bạn trố mắt nhìn thằng bạn bỗng dưng hôm nay khi không lại lỗ mãng, nhất là với một bông hồng nổi tiếng ở trong trường.

Sau này nghĩ lại, tôi cũng nhận ra rằng mình hôm đó quả thực hồ đồ, kém văn hóa. Cùng lắm thì cứ việc lờ đi, không thèm nói chuyện, không thèm chơi cũng quá đủ. Ai đời lại ăn nói vũ phu, lỗ mãng đến như thế. Mãi hơn cả một năm sau, tôi hiểu cái nguyên do sâu xa vì sao tôi lại có hành động như ngày hôm đó, cũng như tại sao con gái, giống như cô nàng hoa khôi của trường NBT lại có thái độ "nắng mưa" trong hai ngày "lịch sử" của câu chuyện.

Không biết ai còn nhớ khoảng thời gian 1970-71, chỉ một, hai rạp chiếu bóng ở Sàigòn mới dám chiếu một cuốn phim tài liệu của Thụy Điển mà tôi không còn nhớ tên, nói rõ về vấn đề tình dục cho thanh niên, thiếu nữ để hiểu thế nào là sự cấu tạo ra tinh trùng của đàn ông, sự rụng trứng ủa con gái, thụ thai, giao hoan, v,v... Nhờ tánh vô cùng tò mò và thích tìm tòi tài liệu trong thư-viện Quốc Gia để đọc, tôi ngẫm ra sự liên quan giữa những ngày con gái khi họ đang trong chu kỳ rụng trứng và ánh mắt nhìn lẳng lơ hơn một chút, má dễ ửng hồng, và nhất là trong những buổi tiệc nhấy đầm, tôi thấy họ ăn nói bạo dạn hơn, bước đi cũng nhún nhẩy, mông lắc đầy khêu gợi hơn - thay vì nhút nhát, e lệ như những ngày thường nhật. Ngược lại, trong những ngày con gái "kéo cờ đỏ" (hôm nay mặc quần đen thay vì quần trắng), thái độ và cách cư sử của con gái cũng phần nào lạnh lùng, khó tánh...nghĩa là khác biệt nếu ai tinh ý để ý sẽ biết .

Nói tóm lại, từ dạo đó trở đi, nhìn thái độ, ánh mắt hay cử chỉ của một người con gái, tôi có thể đoán biết cơ thể họ đang ngầm xẩy ra những gì đang thay đổi bên trong. Lối nói chuyện và ngôn từ (cách chọn chữ dùng) của họ càng giúp tôi phân tách, xác định hiểu rõ hơn vì sao họ lại làm như vậy, nói như thế.

Đàn ông con trai cũng chẳng khác gì. Khi một đứa con trai đang trong lúc "sung mãn" nhất, chất dương thì đầy tràn sẵn sàng đem "phát chẩn" (ban phát, hay dí dỏm hơn là "tình cho không, biếu không"); những lúc ấy, thấy một người con gái hàng xóm mà bình thường mình cho là xấu, hôm đó lại thấy nàng "ok" hay không tệ đến nỗi nào. Đấy là lúc người ta bảo là "dục vọng đã che mờ lý trí". Tôi được một "cố vấn", người bạn già lớn hơn tôi gần 20 tuổi, chỉ cho vài bí quyết để đầu óc luôn được trong sáng, thực nghiệm trước khi đi hẹn hò với bạn gái, để tránh cái tình trạng trên bị phần dưới chỉ huy, sai bảo; khiến không nhận thức rõ ràng thế nào là tình yêu, thế nào là tình dục.

Chẳng qua, đó cũng vì nhờ tôi thường hay trò chuyện, tranh tụng với nhiều người đàn ông lớn tuổi hơn, những người này thường là anh, chú, bác của mấy thằng bạn trong lớp; mà sau khi gặp gỡ nói chuyện với lớp đàn anh , tôi bỏ rơi mấy thằng bạn, từ đó ít còn đi chơi hay nói chuyện với chúng.

Những năm đi đây đi đó về sau, tôi nghiệm ra rằng mình có rất ít bạn. Cả năm năm trời theo học ở trường NBT, tôi chỉ biết một, hai thằng bạn học cũng lớp; bao nhiêu còn lại chỉ là "quen" chứ không cần biết hay hiểu rõ về họ. Ngay đến sau này khi quen bạn ở ngoài đời cũng thế, chẳng phải vì tôi chê hay xem thường sự hiểu biết của họ, phần lớn là họ tự động rút lui hay tránh né. Quan niệm sống của tôi rất đơn giản, chia sẻ những gì mình biết, học hỏi những gì mình chưa thông. Tôi không nói thì làm sao họ biết cái sai của họ, hay về sự hiểu biết nông cạn của tôi để cho người khác chỉ ? Tự ái, đối với tôi - đó chỉ là điều tôi dùng để nhắc nhở là mình vẫn còn thiếu sót cần phải bổ túc, vẹn toàn hơn là để che dấu. mặc cảm rồi tức giận. Đó (mặc cảm) là những thứ tình cảm bộc phát không lâu dài, tôi dùng nó để châm lên ngọn lửa đi tìm kiến thức.

Tôi đúng hay sai không thành vấn đề, ai bảo rằng tôi khoe khoang hoặc tự phụ cũng không ăn nhằm gì cả, quan trọng hơn là họ có rút tỉa được gì về những cái hay (để làm theo) hay cái dở của tôi để mà tránh. Thế là đủ. Mấy đứa em trong nhà lẫn anh em họ nhiều lúc vẫn tưởng lầm, cho rằng tôi luôn chỉ muốn hơn thua, tự kiêu. Tôi chỉ cười và bảo rằng hơn tụi em thì anh được thêm cái giải gì ? tiếng khen cũng không có chứ nói chi toàn là tiếng trách. Tuy thế, tấm lòng tôi vẫn luôn rộng mở, ai muốn đến làm bạn thì tôi vẫn đón tiếp với cả tấm lòng, giống như cửa chùa, cửa nhà thờ. Hơn 14 năm trước, tôi quen với một người bạn Ấn Độ - tên Venky, đưa hắn vào làm cùng với tôi ở một hãng Dotcom. Venky rất mê đảng Dân Chủ, trong khi đó tôi lại thích chủ thuyết của đảng Cộng-Hòa. Sự khác biệt của cái "mê đảng Dân Chủ" và "thích chủ thuyết của đảng Cộng-Hòa" (không phải chỉ là đảng CH) là một khoảng cách khá xa; sau khi hãng của chúng tôi bị JP Morgan mua lại với giá rẻ như bèo, Venky đã nhanh chân sang làm cho hãng Amazon, leo lên chức quản lý (manager) của một nhóm IT. Mãi đến hơn 6 năm sau, hắm mới liên lạc lại với tôi - trong khi đó tôi đang ở VN, bảo rằng những gì tôi nói gần 10 năm trước đều là sự thật, hắn bây giờ sợ đảng DC còn hơn hủi.

Trở lại chuyện "những ngày xưa thân ái", ngày còn học ở trường Nguyễn Bá Tòng. Nay đếm lại trên đầu ngón tay, tôi thấy bạn học thân thương hay tri kỷ thì mình chẳng mấy ai, mà có lẽ chính nhờ thế mà tôi không mất nhiều thì giờ để "bà tám", thay vào đó tôi lại thường loay hoay, tự tìm ra những cái nhìn, góc cạnh khác mà bạn bè, người đời thường ít khi ngó ngàng tới. Chẳng hạn như việc người lớn thường hay dùng câu "áo mặc sao qua khỏi đầu" mà tôi vẫn từng tranh tụng, cho rằng điều đó chỉ đúng với đám đông, chứ thực tế thì đã có chuyện "áo mặc qua khỏi đầu", chẳng hạn như áo người nhái, loại áo của phi hành gia, hay áo quan, v,v....Nghĩa là, không có điều gì hoàn toàn đúng tuyệt đối trên cõi đời này; giống như chuyện 0+0=1 mà các chính trị gia bây giờ chứng minh rằng điều đó là "sự thật" - vì đa số cử tri nay đã tin răm rắp rằng như thế. Nhiều lúc tôi tự hỏi chẳng biết cái tánh cứng đầu, thích đi ngược lại những gì thiên hạ cho rằng đúng - đã có từ đâu, chẳng lẽ là từ ông hàng xóm? mà hắn cũng giống như bố tôi thôi chứ nào có khác gì? Quả là một điều thắc mắc, bí ẩn mà nhiều lúc tôi cười thầm, tự chế diễu chính mình. :)

Ngày còn đi học ở trường NBT, bắt đầu vào năm đệ Tứ, đệ Tam - mẹ tôi đã phải dùng biện pháp "treo giải thưởng" là nếu tôi đứng đầu từ hạng nhất đến hạng năm mỗi tháng, đem sổ Học Bạ về chứng minh, thì tôi sẽ được thưởng $500 tiền ăn sáng cho cả tháng, thay vì chỉ được $5 mỗi ngày - ăn xôi thì chỉ tốn $2 đồng, và sang hơn thì $5 một tô phở tầu bay (tô lớn). Nghĩa là một số tiền khá to cho một học sinh trung học thời bấy giờ. Tháng nào cần tiền thì tôi đứng đầu trong hạng 1 đến 5; không thì cũng từ hạng 5-1 đếm từ dưới cuối lớp, đội sổ trở lên. Điều này khiến không những riêng thầy giám-thị PMC, nhiều lần gọi lên văn phòng răn đe, bố mẹ tôi cũng ít nhiều điên đầu vì tôi mà chẳng hiểu tại sao cái thằng hay dở chứng như thế.

Thời đó thì trường NBT chia là hai khu; bên nữ nằm về phía gần nhà thờ Huyện-Sĩ trên con đường Tôn Thất Tùng, còn bên nam thì nằm về hướng đường xe lửa chạy ngang nhà tôi ở đường Phan Thanh Giản, nay gọi là Điện Biên Phủ. Hôm nào chán học, tôi hay cúp cua và ca cà ở khu nhà thờ Huyện Sĩ, có một người lai tầu bán món bánh đúc chiên ngon tàn canh thục địa lôi. Bên cạnh xe bán bánh đúc chiên là xe gỏi cuốn và món bò bía mà con gái trong trường thường hay túm năm, tụm ba ghé ăn lúc buổi trưa hay chiều sau giờ tan học.

Trước khi nói về chuyện tán gái trường NBT, tôi phải nói về những cảm nghĩ và sự hiểu biết của mình thời bấy giờ về phái yếu. năm mới 15, 16 tuổi, tôi từng thầm mê một người đã có chồng, cô này năm đó đâu cũng khoảng chừng trên dưới 22 tuổi, người Bắc có dáng cao ráo, qúy phái và đẹp não nùng. Ai đã từng học truyện Kiều, đọc qua Đoạn Trường Tân Thanh, truyện tình của Quỳnh Dao, hay ít ra mê chuyện tình cảm ướt át của bà Tùng Long thường hay đăng trên tờ nhật báo Trắng Đen, có lẽ cũng hiểu sơ qua cái triết lý gọi là "Hồng Nhan Bạc phận", vì đối với tôi lúc đó, nếu vớ được một người vợ đẹp như thế, chắn chắn là tôi sẽ yêu nàng và chăm sóc, tâng tiu như đóa hoa, nâng như nâng trứng. Sự thật thì cô hàng xóm này lấy một ông chồng mang cấp bậc Trung Úy nghành Cảnh Sát, thay vì được "hứng như hứng hoa", thì cô nàng thỉnh thoảng ra đường mặt mũi bị bầm tím, vì ông chồng quá ghen tương, thường hay đánh đập, có lần bị liệng cả lon sữa đặc chưa khui vào mặt, khiến nàng bị gẫy cái sóng mũi. Sắc đẹp nhiều khi cũng là cái họa.

Vì trong lòng đã có sẵn một thần tượng tuyệt vời như thế, tôi thường hay dùng để so sánh với đám nữ-sinh cùng lứa tuổi, thấy họ chẳng ai bằng cô nàng hàng xóm. Bởi vậy, hễ thấy ai có sắc đẹp một chút nhưng với thái độ hơi kiêu căng - nay gọi là chảnh - là tôi né, đó chưa kể là tôi còn có cái tánh đa nghi hơn Tào tháo, chỉ sợ họ giả vờ cho mình vào tròng rồi quay mòng mòng như mấy thằng bạn cùng lớp, ngờ nghệch, khờ khạo "chỉ biết yêu thôi chả biết gì". Bao nhiêu thập niên sau, đọc về tiểu sử của nhà văn Quỳnh Dao nổi tiếng thời 60s, tôi không ngờ những năm học Trung Học ở trường NBT, tôi có những cá tánh tương tự như nhà văn nữ này; nghĩa là dễ đa sầu, đa cảm và thường hay hỏi những câu hóc búa (nếu không cho là ngang ngược) khiến nhiều giáo sư phải bó tay ngán ngẫm, nhưng chả có câu trả lời thích đáng cho sự tò mò của tôi. Giữa tôi và nữ văn hào Quỳnh Dao có khác chăng, đó là tôi không đi sâu vào văn chương như bà, vì văn chương chỉ là một lối thoát tạm bợ, chẳng giải quyết được những khúc mắc sâu xa hơn của loài người.

Đúng như lá số tử vi nói, tôi là một con người "hoàn toàn thực tế, cuộc đời sẽ hoàn toàn thực tế", chính vì vậy mà nhiều người thân, quen từng hỏi tại sao tôi lại theo đuổi hai nghành ngược nhau trong đại-học, đó là môn Luật ở trường ĐHQG Luật và triết học ở ĐH Vạn Hạnh; chưa hết, sang Mỹ tôi lại "nổi hứng" theo học nghành Thuơng Mại, môn chính là Tài Chánh, mà ra trường rốt cục lại đi làm cho nghành IT hơn 30 năm - cho đến khi về hưu non.

Đâu có gì gọi là khó hiểu, sự thật thì môn triết lý rất có ích cho nghành Luật, giúp cho tôi có nhiều cái nhìn khác, những góc cạnh sâu xa hơn vì sao mà một đạo luật lại ra đời; và khi muốn làm ăn ở một nước thì phải biết luật chơi (thuế và ngõ ngách của Luật ) của họ, không thì chỉ biết làm và "cúng" cho họ mồ hôi nước mắt của mình, và lúc ra trường trong hoàn cảnh kinh tế suy sụp của đầu thập niên 80s - lúc đó ai có bằng cấp về môn điện toán thì sẽ dễ có việc, lương cao. Đọc báo thấy nơi nào cũng cần Thảo Chương Viên (Programmer, nay gọi là Developer), tôi ghi danh học một khóa rồi cứ thế mà tiến thân. Lúc đó đã có một vợ hai con thì làm điều gì mà chả được, miễn lương cao mà chẳng phải lao động chân tay là sướng rên mé đìu hiu rồi.

Tóm lại, tôi là một người rất ư là thực tế, nhưng cũng chẳng phải vì vậy mà không có tâm hồn ướt át, nhiều mộng mị. Năm lớp đệ Tam ở trường NBT, gặp người con gái đẹp nào tôi cũng mê, cũng thích - nhưng yêu họ không lại là một chuyện khác. Biết yêu cái đẹp và yêu người đẹp là hai phương diện hoàn toàn cách biệt nhau, nhưng người đời thường hay nhầm lẫn.

Tuy biết rằng nhờ đẹp cho nên không nhiều thì ít, giai nhân nào cũng có ít nhiều cái "chảnh" trong đó. Điều này rất là tự nhiên và bình thường, không đáng trách; có điều là biết lúc nào mình nên chảnh, làm cao hay đến lúc nào thì nên "dịu dàng nhưng rợn cơn sóng ngầm" bên trong như nhiều cô gái Huế tôi quen sau này, nhưng đó lại là một chuyện khác, đề tài khác.

Mải lo kể chuyện xưa về trường Nguyễn Bá Tòng mình đã từng theo học, tôi chợt phát hiện ra một điều: Chẳng biết Minh-Trang có phải là người hoa khôi của trường ngày đó đã gặp tên con trai lỗ mãng là tôi ngày xưa. Nếu phải thì đúng là 'chạy trời không khỏi nắng", mà tôi hy vọng (và cầu nguyện, bắt chéo hai ngón tay) là không phải ! chứ nếu đúng thì quả là 'quả đất này nhỏ bỏ mẹ, chắc phải dông trốn lên Hỏa Tinh như Nhị-Anh thôi!" Nhất là trong giây phút này đây, hắn đang bận cào tuyết mệt nghỉ ở vùng phía đông, bang Virgina, đầu óc luôn mơ những ngày nắng ấm ở California - hay ở Việt-Nam mà hơn 40 năm chưa một lần dám vác cuốc về thăm.

01, 2016
Xem Nguyên Bản


Về đầu trang


VĂN LÀ NGƯỜI - SẠO KE!

Trần Văn Sanh

Nếu hoàn toàn tin vào câu "văn là người" mà không suy nghĩ sâu xa, không biết nhiều gì về người viết - hay nhà văn - thì chắc hẳn sẽ có sự ngộ nhận, hiểu lầm đáng tiếc. Chuyến đi San Jose kỳ này chứng tỏ điều đưa ra ở trên, mà tuy rằng biết trước rằng có sự ngộ nhận đã xẩy ra, nhưng tôi vẫn thích thú khi biết rằng sự suy đoán của mình là đúng, nhất là khi gặp lại Bình - bạn học cũ của Thúy-Hoa - trong lúc được mời đến nhà ăn món Phở gà ngon độc đáo, do chính tay Bình bỏ công ra nấu, hầm xương gà từ cả đêm trước. Trong lúc ngồi ăn và trò chuyện, Bình bảo rằng phải có sự tiếp xúc, gặp gỡ nhau nói chuyện trực tiếp thường xuyên thì nhiều người sẽ thấy tôi hoàn toàn không giống như cái tên "SVT" mắc dịch, cà chớn viết nhiều bài cực kỳ dài dòng chi tiết, tỉ mỉ mổ sẻ đủ thứ chuyện, và giọng điệu thì nhiều khi kiêu căng (hay phách lối).

Không phải chỉ có riêng Bình mà lúc gặp lại chị Cung, sau lời chào hỏi thường xuyên, câu nói thứ nhì là phân trần về cái email của chị, chỉ hỏi thăm về sức khỏe của mẹ tôi và sau đó, tôi có viết bài đáp ứng - không phải chỉ cho riêng chị - nhưng luôn cho cả mọi người, về cái cảm tưởng và sự suy nghĩ của mình xoay quanh về chuyện sức khỏe và kiếp sống của những người già, nhưng nói chung là cuộc đời. Luôn tiện dùng cái email của chị Cung để bắn mũi tên với đề tài "tuyên truyền" của mình (bạn có chú ý không? chị "Cung", mũi tên? heh!heh!heh!) (nhìn Lăng mà nhớ món bánh Căng....:)

Đại khái là cả Bình lẫn chị Cung đã - hiểu ít nhiều hơn về cái tên gọi là "SVT", ngoài đời cũng không đến nỗi hung hăng con bọ xít như lời văn, chữ viết của hắn. Sự thật là chính xác như thế. Có lẽ tôi đã bị "tẩu hỏa nhập ma" vì cái triết thuyết "Khi như rồng, khi như rắn" của Quản Phu Tử mà tôi đã từng hội nhập trong lúc tuổi thanh niên mới lớn, cộng thêm một bài học nhớ đời về sự khiêm nhường của một bậc tiền bối, dậy rằng "mình không leo cây, chuyền từ cành này qua nhánh nọ thua xa giống khỉ; thì cũng đừng tự hào rằng mình giỏi hơn người khác". Rồi khi học hỏi, suy ngẫm thêm cái gọi là chân lý của cuộc đời, tôi mới nghiệm ra rằng khiêm nhường khi tiếp xúc, gặp gỡ là một chuyện. Chia sẻ những gì mình biết, mình hiểu qua thư từ, qua văn chương, chữ viết lại là một chuyện khác. Hiểu lầm là chuyện thường tình, vì ngay cả các vị thánh, Phật, Chúa cũng bị con người hiểu lầm, xuyên tạc thì mình là cái quái gì để mọi người hiểu hết.

Người Việt mình có câu "ba mặt một lời", ý nói phải có sự gặp gỡ, tiếp xúc thì câu chuyện muốn nói mới tránh được sự hiểu lầm thường hay xẩy ra.

Ở cái thời buổi văn minh tiến bộ coi như là quá nhanh, nhanh đến nỗi tâm lý và tâm linh con người nhiều khi bắt theo không kịp. Nội cái chuyện sử dụng máy DVD, VCR và cái remote "Cần Thơ" (control) cũng đã khiến bao nhiêu người già - nhất là đàn bà - cũng phải điên cái đầu, để lần mò tìm cách sử dụng; nói chi là chuyện con người ngày càng dễ nóng tính, mất kiên nhẫn vì đã bị "hủ hóa" vì những siêu tốc độ, đáp ứng từ máy vi tính, lò vi-ba (microwave oven) mà chỉ cần bấm nút là trong vòng dưới 30 giây là có câu trả lời, lâu hơn là đã bắt đầu có sự bực dọc, khó chịu. Thêm vào đó câu "bút xa gà chết", nếu ai dùng cái FaceBook, thay vì dùng cái biểu tượng nụ cười đồng tình như:) mà lỡ ngón tay đánh máy lộn thành:( (một bộ mặt thất vọng, không đuợc vui ) khiến người đọc dễ hiểu lầm là mình chê bai, không đồng ý với họ chứ sự thật, tâm ý mình lại nghĩ khác. Thế có phải là bỏ mẹ không cơ chứ!

Bởi vậy cho nên Quản Phu Tử có bảo rằng, một mối giây cho dù có cột chặt đến mấy, lâu ngày chầy tháng rồi nó cũng sẽ bị lỏng lẻo. Bởi vậy tình thân cũng thế, mỗi ngày phải cột thêm một mối (nghĩa là phải giao tiếp, liên lạc nhau thường xuyên), có như thế thì tình thân mới mỗi ngày một thắm thiết, thân mật và cột chặt lại với nhau hơn. Đó là cái lý do mà tôi với Thúy-Hoa thường xuyên kiếm cách tìm gặp lại bạn cũ trong mỗi chuyến đi xuống thăm Calif. và Việt-Nam, vì nếu không giúp đỡ nhau được gì, ít ra cũng cho nhau được một lời khuyên, nụ cười, hay chia sẻ với nhau lại những kỷ niệm của một thời còn cắp sách đến trường, và biết đâu - những kinh nghiệm trong cuộc đời mà mình nghĩ rằng có thể giúp được cho những kẻ chưa từng trải qua hoặc chưa hề chú ý, biết đến. Vì sự thật, tất cả những kiến thức tôi đang có chẳng qua cũng học hỏi được từ kẻ khác, cho nên khi biết được điều gì đã giúp mình được nhàn hơn, hay đỡ cực hơn, thì tôi rất sung sướng mà san sẻ lại những gì mình mới gặt hái được, vì nhờ những bài học đó, tôi thấy đời đỡ cực, đỡ phải mất thì giờ, v.v...đã bảo là "ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau" mà lại!

Điều mà tôi biết mình thường gây nên sự hiểu lầm là khi phân tách một sự việc, một vấn đề nào đó, là thứ nhất - tôi thường hay bỏ qua những gì gọi là "tình cảm" trong mọi vấn đề (kể cả chuyện rắc rối về tình cảm), thứ nhì đó là tôi thường hay chủ quan, cho rằng ít ra người đọc cũng đã từng biết sơ qua về chuyện mình bàn, hoặc ít ra nói ít họ hiểu nhiều, chả cần phải dài dòng văn tự Người Mỹ bảo rằng "đừng có tưởng lầm cho rằng (assume) ai cũng hiểu, cũng đã biết).

Tóm tắt, tôi vốn thường nghĩ "đời vốn buồn, chuốc thêm sầu chẳng lẽ ?", hơi đâu mà kiếm chuyện để "chọc kít ra ngửi". Hễ không thích ai thì tôi cóc chơi, không muốn nói chuyện, chẳng muốn phí thời giờ. Được cái là tánh tôi rất dễ bỏ qua (đặng lấy lòng thượng đế đấy mà! ), và hễ tôi thích ai rồi thì khoái thọt lét cho họ vui, có thêm một nụ cười trong cõi ờ ô trọc này. Bởi vậy, ai chỉ đọc truyện Mai Thảo mà không biết tí gì về lối sống đầy buông thả trên phương diện tình cảm của nhà văn - thể nào cũng có chuyện thần thánh hóa ông ấy. Ai mà giờ này vẫn chưa biết cái tên "SVT" khi tỉnh, khi thì tửng, bảo đảm sẽ bị hố to!

HAH!HAH!HAH!


Về đầu trang


VIỆT-NAM - Chuyến Đi 2015

Trần Văn Sanh

Vắng bóng hai cao thủ võ lâm - nhất là hắc đế đại vương - để xem ngài chém gió vung vít hầu như hàng ngày thì kể ra cũng là một thiếu xót lớn, như một kẻ ghiền vị đắng mà không có cà phê để uống.

Tuy chuyến đi của tôi sẽ kéo dài hơn Sơn, mà lâu hay mau cũng tùy vào tình thế, nhưng bên cạnh vẫn luôn là 2 cái máy ảnh, 5 ống kính, cái laptop 13" và 1 tablet, 1 iPad (ít nhất là 2 cho mỗi món đề phòng hờ), tôi sẽ ghi nhận những hình ảnh, ý tưởng, cảm hứng chợt đến trong chuyến đi; và chỗ nào có "Free WIFE" thì sẽ vào mạng nhắn gửi vài câu, hay ít ra một, hai tấm hình. Coi như là một "phóng viên chiến trường", "phóng viên đường phố" của các bạn nơi quê nhà.

Hơn hai năm trước, trên chuyến lãng du đi ngang qua Huế cùng với vợ chồng thằng em và người bạn lên Quảng trị, người bạn ngồi phía trước bỗng che miệng cười rú lên, chỉ cho mọi người một hoạt cảnh trông rất quen thuộc ở bên đường. Mọi người nhìn xong rồi cũng cười rộ, mà cô em dâu lên tiếng thách thức:

- Nghe nói anh Sanh làm thơ hay lém, vậy thử làm vài câu cho tụi nghe xem...

Thấy mọi người đang vui, tôi suy nghĩ mấy phút rồi đọc bài thơ thoáng qua trong đầu cho cả xe nghe chơi, bây giờ thì ghép nó chung với hình ảnh của cảnh sông Hương lúc ấy đã đi qua: Có thể, bạn cũng sẽ bắt gặp những hình ảnh đường phố tương tự, mà lúc vội chụp, tôi không để ý đến điều tế nhị, chỉ có lúc rảnh ngồi nhìn lại mới thấy nó thật...ngồ ngộ!

nếm mùi bụi đường:
Du khách Nhật ăn hàng ở Hà-Nội:
"duyên dáng" kiểu ngồi Hội-An

Cuộc đời vốn nhiều những bất ngờ mà chúng ta không biết trước, không dự đoán được, nhưng nhìn lại quá khứ, ngẫm lại dĩ vãng, chắc chắn mình cũng sẽ nhận ra được nhiều cái gọi là bất ngờ trong đó - chẳng hạn như có bao giờ tôi ngờ rằng gia nhập nhóm LY74 lại gặp tên Sơn lôi kéo mình đến với diễn đàn VHĐL, hoặc ai ngờ mình sẽ lấy cô "vợ Đầm" - chẳng phải gốc Tây-Ninh hay Mỹ-Tho, mà lại là đầm Đà-Lạt. Đúng là ghét của nào trời trao của đó, biết trước thì xưa đã thậm tệ "ghét" con nhà giầu, chân dài....cùng là hoa hậu nữa!

Còn tiếp dài dài...

SVT 07/19/2015

"Đôi mắt người xưa" có kèm nhèm?
Giọng còn thanh thót đã ho hen?
"làm sao để giết người trong mộng"
một thời khờ dại, ta lỡ...quen!

HAH!HAH!HA!

Khi không đọc đến 4 chữ Đôi mắt người xưa" khiến mình đâm bỗng nổi máu cà tửng, trộn với những câu chuyện mà bạn bè hay kể chuyện gặp lại "người xưa"mà hầu hết ai cũng thất vọng, tại vì đầu óc quá nhiều tưởng tuợng lẫn lãng mạn, cộng với chút hy vọng mà quên khuấy đi sự thật bất biến: là thời gian thường tàn phá cái dung nhan lẫn cái ngây ngô, thơ mộng của tuổi trẻ.

Mà có cần phải lâu lắc gì đâu, chưa tới một năm quay trở lại VN, gặp con nhóc tì Vân hàng xóm, nó đã buột miệng: "Trông chú lần này bụng bự hơn năm ngoái!".

Ui chầu! thế có bỏ mẹ mình không cơ chứ!

Trên chuyến bay, Sơn hỏi mình tính về Đà Lạt mua đất rồi định làm gì? Tôi chọc hắn:

- Trồng vườn Bơ để bán.

Hắn cũng đáo để, chẳng vừa:

- Chớ dại, xây chùa dễ kiếm bạc và cóc phải làm gì cả; đã thế, người ta còn kính trọng, thờ phượng mình nữa.

- Ừ nhỉ. Lại còn có đủ loại trái cây - mùa nào thức nấy - thiên hạ dâng cúng, khỏi phải tốn tiền chi ráo. Có điều là phải cạo đầu trọc lóc, tui chắc chắn sẽ xí trai hơn thiền-sư!

Khó nghĩ à đa!

Đang còn suy tính chuyện xây chùa, thì nay Sơn đen lại dụ khị, kể chuyện cái nghề lái Taxi - coi bộ cũng kiếm bạc dễ như bỡn. Chừng gặp lại hắn trên Đà Lạt, không biết hắn còn dụ mình chiêu gì nữa đây?

Hôm nay vẫn còn chưa quen với múi giờ ở VN, khi người ta ăn trưa thì mình khật khừ muốn đi ngủ.

Bằng chứng là 4 giờ sáng đã tỉnh như sáo, nên lọc cọc gõ vài hàng chuyện "bà Tám".

Nhưng cũng đã sách xe chở phu nhân làm một vòng Sàigòn đi công chuyện và ghé ăn tô phở ở tiệm Phở Hùng trên con đường Cao Thắng, một doanh-nhân Việt kiều năm 2006 đã về đây mở thành một chuỗi tiệm (franchise) mang tên Phở Hùng, và một chi nhánh nữa ở 241-243 đường Nguyễn Trãi mà mới đầu năm nay, tôi xem những đoạn video của cặp vợ chồng trẻ (Kyde & Eric) đi bụi từ bên Nhật sang VN chơi, đoạn đầu có tả về tiệm phở Hùng này. Tuy ngon, nhưng không đậm đà bằng Phở Lệ ở đường Võ Văn Tần mà tôi thường hay ghé đến, và chắc chắn không thể nào ngon và phẩm chất bảo đảm bằng "Phở Bình" của LY74 gần SJ.


https://www.youtube.com/watch?v=ORdkHw4Okp8

SVT 07/25/2015 ***

Hai hôm vừa qua "chả làm gì" cả. Chỉ chạy rông lo giấy tờ, thăm bà con rồi nghỉ ngơi lấy sức.

Tính sáng hôm nay sẽ chạy xuống khu Đề Thám mua vé của hãng Sinh cà phê để lên Đà Lạt, không chừng thế nào cũng gặp hai chị em sinh đôi bán báo thường hay dạo quanh khu Tây ba lô. Vợ chồng thằng em nghĩ sao nài nỉ, xin anh chị dời lại đến thứ Năm thì tụi em theo cùng.

Năm ngoái cũng hai vợ chồng nó nổi hứng - hay máu tốc kê - chở vợ chồng tôi lên ĐL lần thứ II trong cùng một chuyến về VN. Cả hai cũng đã từng lên ở đấy đã 2, 3 lần - nhưng chưa bao giờ được vui bằng chuyến đi kỳ ấy. Có lẽ vì vậy mà tụi nó đòi đi theo lên lần này, vì cả tháng sau tôi mới trở lại Sàigòn, đến ở cùng với gia đình ông cậu.

Lần này về, tôi có chủ ý là sẽ quay phim nhiều hơn là những lần trước, không phải vì muốn bắt chước theo cái "Đà Lạt Ký Sự" mà tôi đã được xem hai, ba năm trước, nhưng nó đã gợi ý cho tôi vì chuyến này mình sẽ ở lâu hơn, nên có dịp ghi lại vài đoạn phóng sự ngắn, sống động để sau này xem và nhớ lại những kỷ niệm, đồng thời để thấy "vật đổi sao dời" sẽ như thế nào.

Đây là quán B ánh Căn mới mọc lên ở dốc Tăng Bạt Hổ - cho nên ngay cả tấm bảng cho tiệm ăn cũng chỉ làm tạm bợ - năm ngoái đi ngang tôi chụp để vừa làm "kỷ nghệ", vừa ghi nhớ để khi đang lang thang trện phố mà nếu bỗng lên cơn ghiền món này thì ghé tạt vào, ăn thử chơi cho biết. Hy vọng quán này vẫn còn và cũng đông khách không kém quán Bánh Căn ở khu Xuân-An.

Đọc bài "41 Năm"của Sơn, nói về tình thầy trò - nhất là về trò PMC, ước gì phải chi mình có những học trò giỏi và trung hiếu được như hắn. Hy vọng vì nhờ có chút gì gọi là "đồng môn", một thời cùng mài đũng quần chung lớp - trò PMC sẽ cho mình mượn tiền mua nhà mua đất xây chùa. Đời vốn chỉ là mộng, mình lỡ có "mị" thêm chút cũng chả sao, chả lỗ vốn tí nào.

Riêng chuyện Sơn & cả nhà ăn mừng Lễ Kim Cương của cha mẹ, đối với thời đại này - đó quả là một điều hiếm có, đáng ngưỡng mộ. Không biết Sơn có xem một phim Hàn Quốc với tựa đề "My love, don't cross that river" trên chuyến bay - mà rất tiếc đã không còn trên Youtube cho mọi người coi. Cuốn phim rất chân thực và cảm động nói về mối tình của cặp vợ chồng già sống bên nhau khi tóc cả hai người đều như tuyết trắng, cho đến một hôm người chồng bạo bệnh ra đi trước, để lại người vợ với nỗi nhớ thương, chỉ mong ngày sớm được đoàn tụ với chồng ở phía bên kia thế giới. Trên đường ra khỏi máy bay đến cửa Hải Quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, tôi cũng đã nói với Sơn rằng - không biết bọn mình có làm được như thế hay không, vì trong thời buổi này, sự tự do cá nhân được "tăng trưởng" trong lúc xã hội và luân lý lại đi ngược chiều và cùng tốc độ, sự đổ vỡ đó sẽ là điều thường tình, khó tránh khỏi.

Trần Văn Sanh 7/27/15


Về đầu trang


What Tờ heo - Được Tăng Lương, Nhưng Dân Càng Nghèo!

Trần Văn Sanh

Trước hết phải giải thích những cái danh từ được gọi là "phụ đề Việt ngữ" cho mọi người dễ hiểu, phát nguồn từ cuối thập niên 1970s, khi còn đang ở tiểu bang California, thành phố San Jose, và trên con đường McLaughin mà mấy bô lão Việt thường hay đặt tên gọi là đường "Mắt Láo Liên"", hay con đường "Tú Lỳ" cho Tully road. Vậy mà cũng có nhiều tên Mễ hiểu đó là những con đường nào, thế mới chiến!

What-tờ-heo đích danh phải đọc là "what the hell", một câu người Mỹ thường hay dùng khi muốn lên tiếng ta thán, hoặc thay vì chửi thề vì một chuyện, một sự kiện xẩy ra mà kết quả quá bất ngờ, giống như người Việt mình hay dùng từ Bắc chí Nam- nào là: Trời đất ơi, úi giời ơi, úi chầu, mèn đéc (ông địa) ơi, v.v... Đại khái, câu này đồng thời thường đồng nghĩa với câu hỏi ám chỉ theo sau ("trời đất ơi, tại sao vậy? rồi sao nữa? chuyện gì đã xẩy ra?" v.v....). Bởi vậy, khi tôi nói tiền lương tăng nhưng tại sao dân lại nghèo dần đi, what tờ heo? Có nghĩa là tại sao lại có chuyện kỳ quái như thế? tăng lương, có nhiều tiền hơn thì tại sao lại nghèo hơn, mèn đéc ơi, sao mà kỳ cục dzậy?

Không biết ai còn nhớ, hay đã đọc qua câu chuyện ngụ ngôn về chuyện hai anh em, mỗi người được chia một miếng dưa hấu, nhưng vì ganh tỵ - người này nghĩ người kia được miếng dưa hấu lớn hơn mình, nên đã nhờ một kẻ thứ ba đứng làm trung gian, cắt đi một phần của người có miếng to hơn, nhưng thay vì đưa miếng mới cắt đó cho kẻ bị "thua lỗ", người làm trung gian này lấy ăn, cho đó là công lao của mình đứng giữa để hòa giải. Rồi người có miếng to hơn, nay bị cắt bớt đi nên trông nhỏ hơn của kẻ đã kiện tụng mình. Thế là người trung gian được dịp cắt bớt và ăn luôn cái phần vừa mới được xén bớt của người kia. Sau vài lần kiện cáo nhau qua lại, cả hai thấy miếng dưa hấu của mình mỗi lúc một mỏng đi dần, trong lúc người trung gian thì càng no căng.

Chuyện đại khái, trên căn bản thì cũng giống như tại sao lương tối thiểu càng tăng nhưng tỷ lệ giữa dân nghèo và giầu ngày lại càng xa cách, rộng thêm.

Tôi còn nhớ rõ như in hồi mới sang Mỹ năm 1975, đi làm dọn bàn với lương tối thiểu thời đó là $2.10/giờ. Rồi cứ vài năm thấy các chính trị gia ta thán rằng vì khoảng cách giữa giầu và nghèo quá xa cách, chúng ta cần phải tăng mức lương tối thiểu để dân nghèo được ngóc lên, khép dần cái khoảng cách "bất công" đó. Hiện nay có tới 21 tiểu bang tăng lương tối thiểu trong 2015, cao nhất có lẽ là tiểu bang Washington, có chỗ lên cao tới $15/giờ.


Sự thật thì khi mưc lương tối thiểu được tăng lên, cứ mỗi đồng lương được tăng, nhân công phải đóng thêm tiền thuế lợi tức ít nhất là 30%- 40% (15% thuế liên bang, 10% thuế tiểu bang - như CA, rồi thuế Xã Hội (FICA) 6%, thuế thất nghiệp 6%, và đủ thứ thuế tiểu bang, thành phố, v.v...Chưa kể là những hãng xưởng phải đóng gấp đôi số thuế FICA cho nhân công, rồi họ phải cân nhắc về chuyện tăng giá hàng hóa hay dịch vụ - hoặc phải cắt bở, xa thải bớt nhân công để không bị lỗ lã.

Chưa đến 1 năm sau khi WA bỏ phiếu chấp thuận lương tối thiểu 15/giờ, nhiều người đã khuyến cáo, khuyên các tiểu bang khác nên biết về những hệ lụy gây ra khi ép buộc tăng lương bổng nhân công, vì nhiều chủ nhân của những xí nhghiệp cỡ nhỏ, cỡ trung bình đã phải trải qua khi phí tổn ngày mỗi cao, kinh tế càng ngày càng khó khăn. Trên hương diện tài chánh, khi người ta có dư giả thêm chút đỉnh, họ thường hay mua sắm thêm, sẵn sàng trả giá cao hơn cho một món hàng mà trước đó họ ngại không dám. Chính vì thế mà khi mức lương tối thiểu được tăng lên, chỉ có một số ít được hưởng lợi khi họ biết tằn tiện, để dành với số tiền phụ trội. Đa số thì khờ dại, thích hưởng thụ và không thể chờ đợi, dành dụm khiến lạm phát gia tăng dần, đóng nhiều tiền thuế hơn, và tệ hơn nữa là đưa đẩy những hãng xưởng lớn nhỏ phải sa thải bớt nhân công- có khi chính mình - và nhiều chủ nhân vì thế mà phải đóng cửa, dẹp tiệm. Số người nhân công thiếu thông minh, kém ay mắn này lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp, mà nếu còn có chút tiết kiệm thì sớm muộn gì cũng phải tiêu tán.

Chính vì thế mà càng nâng cao mức lương tối thiểu, dân nghèo ngày càng đông hơn thì chẳng có gì lạ, có lạ chăng là sau bao nhiêu lần mức lương tối thiểu đã được tăng như thế mà khoảng cách giữa giầu nghèo ngày càng tăng mà không ai nhận thấy có kẻ "trung gian" - mập phì, chình ình như con voi - vậy mà chẳng ai thấy, chỉ lớn giọng nhiếc mắng người giầu là xấu, là bất công. Ôi! what tờ heo....

Dĩ nhiên, tăng lương nhân công trong nhiều hoàn cảnh đều không phải là không nên, hoặc không cần thiết, nhưng nếu không biết đã có thằng móc túi rình rập sẵn, mình cho bao nhiêu vào túi thì nó moi cha nó đi bấy nhiêu, nhiều khi còn để lại giấy (IOU) "cho mượn tạm", vậy mà mình không tức khí nữa thì thiệt tình, quả là what tờ heo...

Còn nhiều chuyện vừa tức cười, vừa nực cười nữa trong cuộc đời, trong xã hội hàng ngày mà có lẽ chỉ có câu "oh! what tờ heo...." mới chính xác diễn tả cái tâm trạng của kẻ hèn này.


Về đầu trang

XUÂN MỚI NGƯỜI XƯA

Trần Văn Sanh

Người đàn ông có dáng dấp trông rất quen thuộc. Trong trí tưởng nàng vẫn mang máng đâu như đã gặp khuôn mặt ấy – chả rõ từ bao giờ – nhưng chẳng tài nào nhớ nổi. Rồi nàng chợt mỉm cười với cái ý tưởng ngộ nghĩnh, rất “cải lương” vừa thoáng qua trong đầu: “Không lẽ mình gặp người ở trong mộng! “.

Người trong mộng ở đây trạc độ gần bốn mươi, dáng dấp cao ráo, khoẻ mạnh.

Trông cách phục sức và cử chỉ của người đàn ông, nàng đoán có thể là dân Việt kiều. Thời buổi này, một số người từ ngoại quốc trở về thăm quê nhà thường hay mang cái phong cách của một chủng tộc văn-minh, giầu sang, đòi hỏi sự suýt xoa, nể trọng đối với dân bản xứ nghèo nàn, nhược tiểu. Nàng cảm thấy người đàn ông này không chút gì gọi là phô trương, cao ngạo. Hắn trái lại dường như muốn kín đáo hoà nhập vào cái xã hội mà hắn đã cách rời sau bao năm.

Vỏn vẹn với chiếc quần jean hơi bạc mầu với chiếc áo thun đen cao cổ, người đàn ông ấy xuất hiện một cách đột ngột, bất ngờ như một buổi sáng mùa xuân chợt đến. Sáng sớm hôm đó, như thường lệ, nàng thường đi dọc xuống dốc Ngọc-Lan để phụ mẹ mở cửa hàng café bên cạnh bến xe. Trong lúc bầy hàng, nàng thấy người đàn ông đứng lặng lẽ bên cạnh bờ hồ, dường như đang trầm ngâm, suy tưởng về một quá khứ, dĩ vãng nào đó. Mãi cho đến khi nắng lên, sương mờ đã tan, hắn mới lững thững đi bộ băng qua đường. Ghé vào quán café nhà nàng, gọi một ly café và ngồi uống nhâm nhi nhìn từng chiếc xe đò to, nhỏ lần lượt chất người và hàng hoá theo nhau rời bến. Không chừng người đàn ông thích thú ngắm cái cảnh tượng ồn ào, tạp nhạp của một bến xe đò tỉnh nhỏ mà bên nước ngoài chẳng bao giờ có. Buổi chiều nàng lại thấy hắn đứng trên con dốc, khoanh tay theo dõi những chuyến xe đầy bụi đường, mỏi mệt lăn bánh trở về bến, yên nghỉ. Con nhỏ Quyên, em gái út của nàng, ngày thứ nhì đã khám phá ra sự hiện diện của người đàn ông lạ mặt ấy, tưởng nàng không biết, khoe:

-Mấy hôm vừa rồi có một ông khách hay đến quán mình chị biết không?
-Ai vậy nhỉ? nàng trả lời, giả vờ như vô tình.
-Có lẽ dân du lịch ở đâu đến. Trông lạ lắm. Chị gặp là ưng liền …

Quyên nói xong và cười tủm tỉm. Từ ngày sinh nhật của nàng hai mươi chín tuổi, con nhỏ thường hay lo lắng, sợ bà chị ruột yêu quí “ống chề”, thỉnh thoảng vẫn phụ hoạ với bố mẹ, khuyên nàng đừng nên kén chọn quá đáng. Quyên lấy chồng đã được hơn hai năm. Nàng thấy vợ chồng son như nó mà vẫn chưa đủ khả năng để ra ở riêng. Quyên vừa phụ trông tiệm, vừa phải nhận thêm hàng về đan mới đủ tiêu sài với cái đồng lương công nhân viên của chồng. Nàng không muốn đem thêm gánh nặng cho gia đình, và nhất là khi chưa gặp được người gọi là hợp nhãn, hợp tính. Năm ngoái, có người muốn làm mai nàng cho một anh chàng từ Mỹ về thăm nhà. Đại khái không biết anh ta có thành công như thế nào ở xứ người. Anh chàng ăn mặc rất sang trọng và tiêu tiền như nước. Nàng phân vân tự hỏi, không biết người ta đã có vợ hay thuộc loại cả đẫn đến nỗi bên đó họ chê không thèm lấy! Chừng ghé đến nhà nói chuyện uống nước độ dăm ba bận, nàng nhận xét anh chàng có cái tánh Tây-phương một cách nửa mùa, thỉnh thoảng nhún vai chêm vài câu tiếng Anh, cố ý ra vẻ rất phong lưu, lịch lãm. Sự thật thì nàng buồn cười, tội nghiệp cho hắn nhiều hơn là chê bai. Vuột mất đám đó, mẹ nàng cũng hơi buồn, cầu nhàu:

-Hồi tao lấy bố mày nào có yêu thương, kén chọn gì. Rồi cũng đâu vào đó cả!

Nàng phải an ủi mẹ và đùa:

-Mẹ quá lo đi thôi. Đến như chị Dung hàng xóm nhà mình, mãi đến ba mươi hai mới lấy chồng thì cũng đâu gọi là trễ. Cùng lắm con sẽ đăng báo “tìm người hôn phối”, mẹ cứ yên chí …

Tuy bề ngoài nói thế, thâm tâm cũng có lúc nàng cảm thấy trống vắng, e ngại cho cái hoàn cảnh muộn màng của mình. Về mặt sắc diện thì nàng không phải thuộc vào hạng chim sa, cá lặn. Nhưng nhiều người hay khen nàng có nét nhu mì, hiền lành. Thuở còn đi học, nàng được một số người theo tán tỉnh, ve vãn.

Vốn sẵn tính e thẹn, nhút nhát của con gái và ít nhiều mang cái mặc cảm nghèo, nàng thường hay làm lơ, tảng lờ như không biết đến. Thời gian gần đây, nhất là sau cái đám cưới của Quyên, vấn đề hôn nhân của nàng càng được mọi người trong nhà đề cập đến giữa bữa cơm. Ai cũng muốn dành làm ông mai, bà mối.

Từ giai cấp công nhân viên, cán bộ đảng cho đến dân thương-mại, buôn bán và Việt kiều. Nàng chưa chấm được ai có một điểm gì để nàng yên tâm, giao trọn cuộc đời mình. Hầu hết dường như đều mang một cái gì giả tạo, hời hợt mà nàng không thể nào giải thích nổi. Ngoại trừ người đàn ông lạ mặt nàng gặp mấy hôm nay. Nhìn lối hắn ngồi và khuôn mặt thật hiền hoà, bao dung. Nàng tưởng như có lúc nàng đọc được nội tâm của hắn qua ánh mắt và nụ cười. Chưa bao giờ nàng thấy một người đàn ông nào vừa có vẻ nghiêm trang, tinh nghịch lẫn hiền lành như hắn. Đặc biệt nhất là đôi mắt, thỉnh thoảng hắn vẫn khiến nàng mường tượng đến một kỷ niệm nào ấu thơ nào đó trong quá khứ.

Người thanh niên chăm chăm, sững sờ nhìn đứa bé gái trạc độ chín, mười tuổi đội chiếc nón lá của người lớn, to quá khổ so với khuôn mặt tròn nhỏ, bầu bĩnh dễ thương của nó. Con bé bưng chiếc rổ còn lại vài cái bánh, đứng co ro, nép dựa vào vách tường của góc chợ Hoà Bình để trú mưa. Nó làm người thanh-niên chợt nghĩ đến mấy đứa em của hắn, có đứa cùng lưá tuổi với con nhỏ, giờ này chắc đang yên bình đọc sách, đùa giỡn dưới mái ấm hạnh phúc gia đình. Tội cho con bé. Hắn lắc đầu, nhớ lại lời khuyên của vị linh-mục ở đại chủng-viện: “Nếu mỗi ngày con chỉ cần thực hiện được bất cứ một việc gì làm sáng danh ngài thì con đã hơn ta rồi đấy.”

Khi trời vừa xế trưa, quán cũng bắt đầu thưa khách. Nàng bảo Quyên trông hàng hộ nàng, đoạn rảo bước lên dốc chợ, định bụng đi dạo mấy hàng bán đồ tết trước khi ghé mua vài cân đường và café về cho nhà bán. Nhìn hàng cây Anh Đào trên con dốc chợ mới ngày nào trông tiêu điều, cằn cỗi giờ đã rộ nở những cánh hoa trắng hồng tươi thắm dưới ánh nắng. Nàng bỗng đổi ý, muốn thả bộ đi thong dong một mình dưới hàng thông, dưới con đường vắng dẫn lên ngọn đồi bên hồ. Ngày xưa, thỉnh thoảng nàng vẫn thường có cái thú đi dạo bâng quơ như thế. Mấy năm sau này, nàng quên bẵng đi cái thói quen nhẹ nhàng, êm đềm ấy chẳng qua chỉ vì lo buôn bán. Hơn nữa, nàng cảm thấy mình như đã quá cái tuổi lãng mạn để làm những chuyện rảnh rỗi đó. Nhưng hôm nay, giữa một ngày xuân ấm áp, lòng nàng đâm rạo rực, bồi hồi muốn sống lại cái giây phút hồn nhiên, vô tư thưở trước.

Thanh thản đếm từng bước chân, nàng nhớ những kỷ niệm của tuổi dậy thì, áo dài đi học. Tưởng tượng và nhớ đến những người theo tán tỉnh, lẽo đẽo theo hỏi vài câu, tay chân nàng như đông lạnh, miệng câm như hến, rồi nàng quýnh quáng vội lảng tránh. Nàng cười thầm tự hỏi sao ngày ấy nàng nhát quá cỡ. Vài đứa bạn thân hiểu tánh đặt nàng với danh hiệu “tai thỏ”. Những người khác lại cho nàng là “bơ đời”, lạnh lùng. Thật lòng, từ trước đến giờ, nàng chưa hề bị cái gọi là cú sét ái tình. Chỉ một đôi lần rung động trước sự tán tỉnh, si mê của dăm người con trai học cùng trường. Sự rung động ấy, nghĩ lại, nàng thấy chẳng qua chỉ là sự bồng bột, lãng mạn của tuổi mới lớn. Nàng chả hiểu phải là người như thế nào mới khắc phục, chiếm trọn được con tim của nàng. Cho đến giờ, chưa một hình bóng nào đã làm nàng mong ngóng, khắc khoải. Ngoại trừ người đàn ông lạ mặt mới xuất hiện mấy hôm nay làm nàng thỉnh thoảng có thắc mắc, chờ đợi một cách lạ thường.

-Em bán món gì đấy?
-Dạ, đây là món bánh bao chỉ mẹ em làm ngon lắm, anh mua dùm hộ em.
-Mấy đồng một cái vậy nhỉ? Em còn đi học hay chỉ ở nhà phụ bán hàng?

Người thanh-niên vừa gợi chuyện, vừa nhẩm đếm mấy cái bánh còn lại trong rổ. Con bé thấy khách có vẻ muốn mua, mừng rở, đôi mắt mở to tròn xoe đen láy:

-Dạ em đi học ban ngày, chiều về mới đi bán. Bánh chỉ có hai đồng một cái anh mua hộ hai cái nghen?

Giọng nói trẻ thơ của con bé nghe dễ thương chi lạ. Người thanh-niên động lòng, tội nghiệp rút tờ một trăm đưa cho nó, bảo:

-Anh lấy hết bốn cái còn lại này. Em khỏi phải đưa tiền thối và nhớ về nhà sớm kẻo bố mẹ em trông.
-Dạ, em xin cám ơn anh.

Con bé giao bánh xong, cám ơn người thanh-niên và vui mừng sách chiếc rổ, bước những bước chân sáo ra về. Những tuần lễ sau đó, thỉnh thoảng người thanh-niên gặp lại đứa bé gái và thường hay dúi cho nó nhiều tiền hơn là cố ý mua bánh. Mãi cho đến một ngày xuân kia, trước khi trở về với gia đình để ăn tết, người thanh niên ấy lì xì cho con bé ít tiền và tặng nó cái kẹp tóc hình con bướm làm bằng bạc, chạm trổ rất đẹp mà hắn mua định làm quà cho đứa em gái. Con bé có vẻ rất sung sướng, trông chờ mong ngóng là sau tết người khách trẻ giầu lòng hảo tâm này sẽ trở lại. Không ngờ, người thanh-niên đó đã biệt tăm tích luôn từ dạo đó. Sau này, mỗi lần hàng ế, con nhỏ lại nhớ đến ân-nhân của nó mà tưởng chừng như nó đã đọc, mơ tưởng một thứ truyện thần thoại, cổ tích nào đó của trẻ thơ.

Lúc nàng trở về thì Quyên đang trò chuyện với người đàn ông lạ mặt. Vẫn lối ăn mặc nhã nhặn, giản dị. Hắn đứng dậy hơi cúi đầu chào khi nàng bước vào trong lúc Quyên nhanh nhẩu đưa tay giới thiệu:

-Đây là chị Loan, chị cả của em. Còn đây ông Phong, Việt kiều từ Mỹ về thăm nhà đã hơn một tuần. Chị phải nghe ông Phong kể vài điều thật lý thú mà chị không thể tưởng tượng nổi chuyện ở xứ ngoài.
-Tôi cũng được cô Quyên đây kể lại dăm mẫu chuyện bên nhà cũng khá ngộ nghĩnh. Hy vọng rằng tôi đã không đến nỗi quấy nhiễu hàng quán của gia đình cô?

Người đàn ông nói với giọng thật từ tốn, thân thiện và hoà nhã khiến nàng có cảm tưởng làm như hắn đã từng quen biết chị em nàng từ lâu.Tự nhiên nàng đâm ra lúng túng, vụng về đến suýt nữa làm rơi gói đường. Thời may Phong, tên của người đàn ông, đứng gần nên đã chụp lại được và đặt nó ngay ngắn trên quầy hàng hộ nàng. Lần này thì hai má nàng thật sự đỏ bừng, mắc cở quá đỗi.

Nàng chỉ biết ấp úng, ngập ngừng nói đôi lời cám ơn người đàn ông đoạn kiếm cớ vô phía trong, đợi giây lát cho nhịp tim bớt đập loạn xạ, chải sơ lại mái tóc nàng lấy lại sự điềm tĩnh, bước trở ra và nói với người đàn ông như để giải thích về cái hành động vụng về khi nẫy của mình:

-Xin lỗi ông nghe. Có lẽ tại tôi mới vừa dang nắng và bước ngay vào bóng mát. Ông cứ việc ngồi uống café nói chuyện bao lâu cũng được. Giờ này quán thường hay vắng …
-Vâng, tôi cũng đoán chắc cô vừa về và bị trúng nắng. Lâu quá tôi cũng quên bẵng đi mất là mùa xuân ở bên này nắng đã bắt đầu ấm. Giờ này ở bên đó hai cô phải biết, có chỗ còn phủ tuyết trắng xoá.

Nghe nói, nàng tò mò muốn tìm hiểu thêm về cái đời sống của xứ Mỹ mà cả đời nàng chỉ được biết đại khái, mù mờ qua phim ảnh, báo chí. Vừa lấy chiếc kẹp để cài lại mái tóc dài xoã bờ vai, nàng vừa đáp lời người đàn ông để tạo một bầu không khí tự nhiên, trò chuyện:

- Ông đi xa không biết chứ, dạo này cao-nguyên khí hậu có vẻ nóng hơn ngày xưa bởi vì thiên hạ đốn củi, chặt cây nhiều quá. Nếu ông còn nhớ, cứ nhìn ngọn đồi ở trước mặt - phía gần trường Lycee Yersin ngày xưa - ông sẽ thấy ngay sự trơ trụi, khác biệt…
- Ừ nhỉ, quả là một điều đáng tiếc… Người đàn ông tên Phong quay đầu nhìn theo hướng tay nàng chỉ và đồng ý với sự nhận xét của nàng lẫn với đôi chút tiếc nuối. Hình như hắn định nói thêm điều gì đó nhưng rồi chợt ngưng, lặng yên đăm đăm nhìn nàng khi thấy nàng đang chải đầu, kẹp lại xong mái tóc. Cái nhìn của người đàn ông không có vẻ xỗ xàng, bất khiếm nhã nhưng nó cũng làm nàng hơi ngượng. Vài giây sau, dường như người đàn ông cảm nhận được thái độ của nàng nên vội vàng lên tiếng xin lỗi:
- Chết thật, tôi quả là vô duyên. Tại đang thắc mắc không biết cô mua cái kẹp tóc hình con bướm ở đâu trông đẹp và khéo quá. Ngày xưa tôi cũng đã mua một cái giống như thế cho đứa em gái.

Nàng cười đáp lời:

- Ông quá khen, tôi thấy nó cũng thường. Tôi thích dùng bởi vì cái kỷ niệm hồi còn nhỏ, đi bán hàng có một ông khách quen trước khi về ăn tết với gia đình tặng cho…
- Có phải người đó đồng thời lì xì cho cô chút ít tiền?

Người đàn ông chợt như reo mừng, không đợi cho nàng dứt câu, hỏi vội vàng làm nàng sững sờ, bỡ ngỡ. Đầu óc nàng vừa vui sướng, loay hoay với câu trả lời, vừa tìm kiếm trong cái trí nhớ một hình ảnh tưởng đã biệt tăm, xa vời nay đang vội quay trở lại. Nàng thấy mình như bị say sóng, một cơn say ngây ngất, lặng đi với nỗi hạnh phúc khó tả mà quên bẵng đi giọng của người đàn ông vẫn vang vọng bên tai, hỏi nàng một cách thân mật, dịu dàng:

- Bây giờ chắc cô đã biết tự làm bánh bao chỉ rồi chứ nhỉ? Chao ơi, ngày đó cô còn bé tí, đội chiếc nón lá…

SVT 1986

Về đầu trang






Powered by SmugMug Owner Log In